Trước kỳ họp quốc hội hàng năm, Trung Quốc vừa đặt ra quy định không lễ tiết tiếp khách VIP, không quà phô trương, không khoe giàu thái quá...


Ảnh: THX

Với một số người giàu Trung Quốc, kỳ họp kéo dài hai tuần sắp tới có thể là sự đổi thay không mong đợi. Thông thường, sự kiện này được coi là kỳ họp linh đình hàng năm, cơ hội để thể hiện những mối quan hệ thâm tình, và khoe khoang giàu có bề thế.

Theo Tân Hoa xã, kỳ họp sẽ bắt đầu ngày mai và lần này sẽ không có những nghi lễ tiếp khách VIP tại sân bay, hay ga tàu, không hoa trong phòng khách sạn, không gala tiệc tùng hay quà cáp xa hoa. Những bữa tiệc trọng thể sẽ được thay thế bằng các bữa ăn tự chọn không có chất cồn.

Lãnh đạo mới Tập Cận Bình đã nỗ lực theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng, mà trọng tâm là lối sống xa xỉ của rất nhiều quan chức. Nỗ lực này trùng khớp với thực trạng người dân Trung Quốc ngày càng bất mãn với sự bất bình đẳng xã hội, quan chức tham nhũng và kiêu căng.

Các nhà quan sát cho rằng, phiên họp quốc hội hàng năm của Trung Quốc thường nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa quyền lực và giàu có. Tạp chí Hồ Nhuận của nước này năm 2011 thống kê cho biết, tài sản ròng của 70 đại biểu quốc hội Trung Quốc giàu nhất là 89,8 tỉ USD, gấp nhiều lần tổng tài sản ròng của tất cả 660 quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ (khoảng 7,5 tỉ USD).

Trái ngược với hàng năm, kỳ họp quốc hội năm nay có thể không chứng kiến việc các ông bà nghị khoe thắt lưng, đồng hồ, túi xách xa xỉ.

"Dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng, rất nhiều quan chức giờ đây như đang đi trên lớp băng mỏng, họ sẽ rất thận trọng", một cựu nhà báo ở Trùng Khánh nói.

Paul French, nhà phân tích chiến lược nghiên cứu về Trung Quốc của hãng nghiên cứu Mintel nói, các hàng hóa xa xỉ thiết kế "sẽ vẫn bán được cho cá nhân, nhưng quan chức sẽ không trực tiếp ra mặt hay mua với số lượng lớn. Hoặc nếu có, họ sẽ mua và nói rằng: "Tôi cần 10 bộ lễ phục nhưng tôi muốn hóa đơn thanh toán đồ dùng văn phòng". Hay như Avery Booker của tờ Jing Daily nhấn mạnh: "Chuyện tặng quà không biến mất đi ở Trung Quốc cho dù chính phủ có cố gắng ngăn chặn".

Giống như nhiều người khác, Booker cho rằng, một số nhãn hàng xa xỉ có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, khi nhiều người tìm kiếm sự thay đổi thông qua "những loại hàng hóa xa xỉ cỡ nhỏ, dễ che đậy" kiểu như bút viết hay các chuyến đi nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, thay đổi thực sự và lâu dài sẽ cần phải "liều thuốc mạnh mẽ": không chỉ khoan dung trước việc phát sóng, công bố công khai các vụ bê bối tham nhũng, mà còn thúc đẩy về mặt luật pháp khiến các quan chức công khai tài sản một cách thực sự. Ít người mong đợi tiến trình này sẽ đạt kết quả ngay trong năm nay.

Mặc dù vậy, các nhà hoạt động và học giả cũng hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận nghiêm túc về các thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt trong kỳ đại hội bắt đầu từ ngày mai. "Chúng ta đã lãng phí 10 năm - và một số thứ trở nên tồi tệ hơn: mâu thuẫn xã hội, vấn đề sinh thái, dân số. Các nhà lãnh đạo mới phải giải quyết khẩn cấp các vấn đề này" - Trần Tế Minh - học giả chính trị độc lập ở Bắc Kinh nói.

Mặc dù quan chức Trung Quốc đảm bảo rằng, kỳ họp quốc hội sẽ diễn ra ở một nơi có bầu trời trong xanh, nhưng ô nhiễm khủng khiếp đang bao trùm Trung Quốc. An toàn thực phẩm cũng ngày càng khiến người dân lo lắng. Một vấn đề đặt ra yêu cầu cải cách nữa là hộ khẩu vốn đang ngăn cản người lao động nhập cư và con cái họ được hưởng các dịch vụ ngang bằng người dân thành thị. Các cam kết đại tu lại hệ thống giáo dục cũng đang chờ thực thi.

Thái An (theo guardian)