- Nhóm cán bộ quản lý chỉ là số ít. Do vậy nếu lấy lý do sợ đổ vỡ quỹ BHXH là ngụy biện - độc giả phản ánh và cho rằng, nếu là người thực tài thì không lo sau khi về hưu không có cơ hội đóng góp cho xã hội.
>> 'Được' hay 'bị' về hưu?
>> Tăng tuổi hưu có lợi ích nhóm không?
Bài viết "Trẻ còn thất nghiệp, sao nới tuổi nghỉ hưu?" của chuyên gia Nguyễn Thu Linh tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi, tranh luận xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, nhiều bạn đọc xoáy vào một trong những "điểm tựa" của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đó là sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bạn đọc tên Minh nêu ý kiến, nhóm cán bộ quản lý chỉ là số ít. Do vậy nếu lấy lý do sợ đổ vỡ quỹ BHXH thì là ngụy biện. Hơn nữa, người thực tài không bao giờ lo sau khi về hưu không có cơ hội đóng góp cho xã hội.
Ảnh minh họa: Bình Minh |
"Nếu sợ đổ vỡ thì phải kéo dài cho tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên giải pháp bền vững nhất, như tác giả đã nói, là hãy tinh giản bộ máy và giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách (bao gồm các đoàn thể). Về mặt sức khỏe thì trừ số ít còn phụ nữ không thể so với nam giới. Hơn nữa, họ còn thiên chức làm mẹ, làm vợ (điều này đàn ông không thể thay thế được), do vậy việc họ nghỉ hưu sớm hơn nam giới là bình thường" - ý kiến của ông Minh.
Phân tích vấn đề, bạn đọc Ngọc Mỹ cho hay, những phụ nữ 55 tuổi đa số bậc lương trên 5 - 7 chấm nhân với lương cơ bản trên 1 triệu đồng/tháng = 7 triệu đồng/tháng, phụ cấp ngành nghề, thâm niên, phụ cấp chức vụ, tổng cộng thu nhập có khi lên đến 15 triệu/tháng.
"Vậy nhà nước phải trả bao nhiêu tiền lương cho những người này còn nếu họ về hưu chỉ khoảng chưa đến 5 triệu đồng. Nếu tuyển một nhân viên tốt nghiệp đại học mới ra trường thì lương chỉ 2-3 triệu đồng. Tiền nhà nước trả cho ai nhiều hơn? Theo tôi, có thể tăng tuổi nghỉ hưu cho bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, các phó giáo sư trở lên nhưng không nắm chức vụ, vì những người nắm chức vụ suốt ngày đi họp không nghiên cứu giảng dạy gì được".
Góp ý cách giải quyết, độc giả Hải Đông cho rằng, để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ có tri thức được làm việc và cống hiến cho xã hội, đồng thời không bị vỡ quỹ BHXH, có thể hạ tỷ lệ % hưởng BHXH của người nghỉ hưu. Ví dụ từ 75% như hiện nay xuống 70%, vì những người này sau khi được nghỉ vẫn còn sức lao động và có thể bổ sung bằng nhiều việc làm thích hợp sau khi được nghỉ, hoặc tăng thêm % đóng BHXH so với hiện nay.
Chị Trần Thu Hà cho rằng, đừng vì sợ cái nhỏ (quỹ BHXH) mà thực hiện những bước làm cho nảy sinh các cái sợ lớn hơn (lợi ích nhóm có quyền, mất cơ hội của lớp trẻ, không khai thác tiềm năng thực sự của lực lượng được đào tạo bài bản mà đang thất nghiệp...). Hãy thận trọng trước khi quyết định một chính sách lớn.
Tựu chung, bạn đọc Ngọc Liên cũng cho rằng, không nên chỉ tính "phần ngọn" của vấn đề, mà cần có các biện pháp thực sự hợp lý để giải quyết gốc vấn đề.
"Nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ làm lợi cho nhóm người có quyền, vì thực tế những người lao động thực sự đến tuổi nghỉ hưu sức khỏe đã giảm sút nhiều, không còn mong muốn phấn đấu thêm 5 năm nữa. Nhà nước cần xem xét giải pháp để tạo cơ hội cho người trẻ tri thức, có nhiệt huyết và động lực phấn đấu" .
Anh Thư