- Từ một binh nhì 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm thiếu tướng (vị tướng trẻ nhất của quân đội khi ấy), tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, sống chết với đồng đội nên ông càng thấm thía giá trị của cuộc sống hòa bình ngày nay cũng như trách nhiệm của những người đang sống đối với các anh hùng, liệt sĩ.


Vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, chuẩn bị đón năm mới Quý Tỵ 2013, thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu rất bận rộn bởi những công việc rất có ý nghĩa mà ông đang mải mê theo đuổi.

Trao đổi với những người tổ chức bản thảo công trình sách “Ký ức người lính”, ông chia sẻ: “Mình là người lính, một đời binh nghiệp tuần tự từ binh nhì đến cấp tướng. Chính vì vậy mà những công việc gì liên quan đến người lính thì mình sẵn sàng tham gia, tùy theo điều kiện, khả năng của mình…”.

Ông dừng một lát, dáng tư lự, đôi mắt nhìn về phía trước. Dường như ông đang nhớ về những năm tháng gắn bó, sống chết với đồng đội trên các chiến trường lớn mà ông là người trong cuộc, đã từng trực tiếp chỉ huy và chiến đấu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai.

Đó là chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, 1968; chiến dịch đường 9 - Nam Lào, 1971; chiến dịch mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 1975. Quê hương ông ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Còn Quảng Trị là quê hương thứ hai của ông, vì chính trên mảnh đất anh hùng này, ông đã cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh, giành lấy hòa bình cho đất nước.

Nguyễn Huy Hiệu thấu hiểu “giá từng thước đất” (Chính Hữu) rất đắt mà biết bao đồng bào, đồng chí Quảng Trị đã phải trả (trong đó có phần đóng góp của ông và đồng đội) để có ngày hạnh phúc hôm nay.

Sau phút trầm ngâm, xúc động, tướng Hiệu nói tiếp: “Kể ra, bây giờ mới làm công trình này là muộn đấy. Nhưng muộn còn hơn không làm. Chúng ta vẫn còn có điều kiện để nhanh chóng bắt tay vào việc này.

Thời gian trôi qua nhanh lắm. Mới ngày nào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thế mà nay đã 38 năm rồi. Các nhân chứng lịch sử, trong đó có nhiều đồng chí đã từng lập được chiến công lẫy lừng ngày một thưa dần, do tuổi tác già lão và bệnh tật, di chứng của chiến tranh v.v...

Chính vì vậy, chúng ta cần khẩn trương phát động một phong trào thật sâu, rộng để viết về những con người đã làm nên sự tích anh hùng, nêu tấm gương sáng cao đẹp cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau noi theo….

Tướng Nguyễn Huy Hiệu (chính giữa) cùng ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính"

Tôi tin là nếu chúng ta chịu khó ghi chép những sự tích anh hùng trên các mặt trận, các chiến dịch, các địa bàn như: các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con tàu không số, chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không v.v… thì sẽ có muôn vàn điều thú vị, để học tập...

Chúng ta phải vận dụng, phát huy sáng tạo những bài học kinh nghiệm giá trị này để phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Dù trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền trọn vẹn của Tổ quốc ta trên đất liền (lãnh thổ), trên biển đảo, trên không…”.

Từ một binh nhì 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm thiếu tướng (vị tướng trẻ nhất của quân đội khi ấy), tham gia 67 trận đánh ác liệt, sống chết với đồng đội nên ông càng thấm thía giá trị của cuộc sống hòa bình ngày nay cũng như trách nhiệm của những người đang sống đối với các anh hùng, liệt sĩ.

Theo ông, dù có làm bao nhiêu việc cũng chưa đủ để tưởng nhớ tri ân, để xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vĩnh viễn đi vào cõi vĩnh hằng. Do vậy mà ký ức về chiến trường xưa và đồng đội không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Nguyễn Huy Hiệu.

Mặc dù bận rộn trăm công ngàn việc, nhưng ông vẫn thường xuyên đi về thăm Quảng Trị và nhiều nơi khác để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những đồng đội còn sống, sửa sang, xây đắp mộ phần, lo hương khói tưởng niệm các liệt sĩ.

Bản thân vợ chồng ông đã bỏ tiền dành dụm của mình và vận động các nhà tài trợ hảo tâm để xây dựng nhiều công trình tri ân đồng đội, trợ giúp các gia đình chính sách.

Đáng kể nhất trong các khu tưởng niệm đó là Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội ở Thành Cổ Quảng Trị, số 1 Trần Hưng Đạo với số tiền kêu gọi đến nay đã được hơn 10 tỷ đồng. Một tượng đài Hoài niệm mang thông điệp hòa bình cũng được dựng ở đây.

Nghe tướng Hiệu tâm sự, kể chuyện đền ơn, đáp nghĩa đồng đội, chúng tôi càng thêm nể trọng nhân cách và những việc làm đầy tình nhân ái của ông để tưởng nhớ đồng đội và góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau khi nghỉ các chức vụ của nhà nước và quân đội, với hàm viện sỹ Viện hàn lâm quân sự Liên bang Nga, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự (nghệ thuật chiến tranh), tham gia các hoạt động nhân đạo và bảo về môi trường.…

Tôi cứ nghĩ mãi về Nguyễn Huy Hiệu - người con ưu tú của quê hương nhà thơ trào phúng kiệt xuất Tú Xương, luôn tự nguyện dấn thân vào những “tâm bão” của các sự kiện trọng đại của đất nước.

Khi Tổ quốc có chiến tranh thì dũng cảm, mưu trí chiến đấu và chiến thắng. Khi đất nước có hòa bình thì say sưa làm bao nhiêu việc hướng thiện để tri ân đồng đội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc… 

Nhà văn Nguyễn Huy Thông