Theo các cơ quan tình báo Mỹ, lập trường quả quyết, thậm chí gây hấn của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ hàng hải với láng giềng một phần là phản ứng với chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Tàu Nhật và tàu TQ ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Trong một báo cáo đánh giá hàng năm về những mối đe dọa trên toàn thế giới đệ trình lên một ủy ban Thượng viện Mỹ hôm thứ ba, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper nói rằng, giới lãnh đạo mới tại Bắc Kinh hiện đang phải vật lộn với hàng loạt thách thức từ trong nước có nguy cơ châm ngòi cho những bất ổn.

Vì thế, các nhà lãnh đạo mới - dự kiến sẽ được chính thức thông qua tại Bắc Kinh trong tuần này - có khả năng duy trì lập trường cứng rắn về các vấn đề đối ngoại, nhất là những tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông, ông Clapper nhấn mạnh.

Thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tuần tra các đảo trên vùng biển tranh chấp dẫn tới sự đối đầu với Philippines ở Biển Đông và Nhật Bản ở Hoa Đông khiến căng thẳng leo thang. Ông Clapper nói trong buổi điều trần rằng, Trung Quốc đã tăng cường các khả năng quân sự bằng cách thúc đẩy thực thi luật pháp hàng hải để thể hiện yêu sách chủ quyền.

“Các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực, một phần là phản ứng với chiến lược tái cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á - Thái Bình Dương - chiến lược mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin là nhằm làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh trong khu vực", giám đốc tình báo Mỹ nhấn mạnh.

Hôm thứ hai, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon đã phủ nhận bất kỳ dụng ý nào tương tự trong "trục xoay" châu Á của Mỹ. Ông khẳng định, Mỹ vẫn duy trì các cam kết thay đổi chiến lược giữa bối cảnh giảm dần can thiệp trong các cuộc xung đột ở Trung Đông và áp lực cắt giảm ngân sách.

Bản điều trần của ông Clapper đại diện cho quan điểm chung của các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng, Trung Quốc đang gia tăng, nhưng vẫn còn hạn chế, các khả năng phô trương sức mạnh. Ông này đề cập tới việc Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động cũng như việc tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo hiện đại.

Theo ông, Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng khả năng hoạt động ở Ấn Độ Dương bằng việc theo đuổi những thỏa thuận hỗ trợ hậu cần với các nước trong khu vực.

Ông cho hay, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất đất hiếm phục vụ công nghệ dân sự và quân sự.

Thái An (theo irrawaddy)