Con đường tới quyền lực cấp cao của lãnh đạo Trung Quốc đều liên quan tới một quá trình học hỏi trải nghiệm lâu dài.

Quá trình chuyển giao bắt đầu từ đại hội đảng toàn quốc Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra ở Bắc Kinh kể từ ngày 8/11/2012. Giống như Nga, Trung Quốc có cả chủ tịch và thủ tướng. Chủ tịch là người đứng đầu nhà nước và là “vị lãnh đạo tối cao”. Thủ tướng là người chịu trách nhiệm quản lý cấp cao nhất, giám sát các hoạt động diễn ra hàng ngày của đất nước.

Ảnh: THX

Giới hạn nhiệm kỳ

Sau hàng chục năm cầm quyền của ông Mao Trạch Đông, kết thúc năm 1976, giới lãnh đạo đảng của Trung Quốc đã tiến hành nhiều bước đi để áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho các vị trí cao cấp nhất. Thời ông Đặng Tiểu Bình (1978-1992), chủ tịch nước có thể nắm giữ hai nhiệm kỳ 5 năm.

Mỗi nhiệm kỳ 5 năm trôi qua, đảng cầm quyền tổ chức đại hội đưa ra chương trình nghị sự chính sách cho kỳ tiếp theo. Ngoài việc chuẩn bị chọn lựa những nhà lãnh đạo mới, đại hội 18 còn tiến hành bầu chọn ban chấp hành trung ương, bộ Chính trị và Ban thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc.

Con đường tới quyền lực cấp cao của mỗi người đều liên quan tới một quá trình học hỏi trải nghiệm lâu dài.

Chuẩn bị ứng viên

Bất kỳ ai có được vị trí cao nhất tại Trung Quốc đầu tiên đều phải trở thành một đại biểu quốc hội.

Hầu hết trong số hàng nghìn đại biểu được chọn lựa ở các cấp bậc khác nhau của chính phủ, từ thị trấn tới quận huyện và thành phố. Các cuộc bầu cử diễn ra giữa những kỳ đại hội.

Những ứng viên cho ghế lãnh đạo thường được chuẩn bị trong nhiều thập niên. Để mở rộng kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm quản lý, các ứng viên thường đảm nhận nhiều vị trí quản trị khác nhau và ở nhiều nơi, nhiều khu vực khắp đất nước có 1,3 tỉ dân.

Ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc mới được bầu - đã gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc năm 1974. Ông kinh qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó có phó bí thư một huyện ở tỉnh Hà Bắc, phó chủ tịch tỉnh Phúc Kiến và bí thư Thành uỷ Thượng Hải.

Nhưng sự thăng tiến của một ứng viên còn phụ thuộc vào việc tạo dựng quan hệ trong đảng. Trong quá trình học hỏi, các ứng viên không chỉ phát triển kỹ năng quản trị mà còn tạo dựng sự ủng hộ trong đảng cầm quyền để có thể đạt được vai trò lãnh đạo trong tương lai.

Bước cuối cùng trước khi bước lên đỉnh cao quyền lực là vị trí trong Ban Thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình trở thành uỷ viên thường vụ bộ Chính trị năm 2007 - một động thái mà nhiều nhà quan sát cho là sự mở đường cho chức vụ chủ tịch trong tương lai.

Tiến thoái lưỡng nan

Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc liên quan tới việc chuẩn bị một kế hoạch kế nhiệm lâu dài.

Chính vì thế, theo giáo sư Yongjing Zhang tại Đại học Ottawa, thực tế này tạo ra sự “tiến thoái lưỡng nan với người kế vị”. Zhang lấy ví dụ người được cho là sẽ kế nhiệm quá quả quyết, hay “tự tung tự tác” có thể “đe dọa quyết định của lãnh đạo hiện tại” hay quá yếu mềm, không thể duy trì quyền lực ổn định đều là sự tiến thoái lưỡng nan cho bản thân và người dẫn dắt.

Kể từ những năm 1980, đảng cầm quyền Trung Quốc đã nỗ lực tránh vấn đề này bằng cách đạt được sự đồng thuận khi lựa chọn lãnh đạo kế tiếp.

Vai trò của danh dự

Tính toàn vẹn và thể diện là một nhân tố quan trọng khi cân nhắc chọn lựa ứng viên lãnh đạo tại Trung Quốc. Trong quá trình chọn lựa, những ứng viên sáng giá phải tránh mọi sự bàn cãi tranh luận ở bất cứ tình huống nào. Đó cũng là lý do vì sao vụ việc Bạc Hy Lai lại tai tiếng như vậy.

Nguyên là bí thư thành uỷ Trùng Khánh - người được coi là ngôi sao chính trị đang lên, Bạc Hy Lai bị ngã ngựa trong năm 2012 sau khi có dính líu tới cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Ông bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 9 sau khi bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ. Vợ ông bị kết án mưu sát doanh nhân người Anh.

Theo giáo sư Zhang, danh dự và việc không "động chạm" tới thế hệ cũ là nguyên tắc quan trọng trong văn hóa Trung Quốc, và tiến trình chuẩn bị, chọn lựa lãnh đạo đã phản ánh điều đó.

Trong khi báo chí đưa nhiều đồn đoán tập trung vào ông Tập Cận Bình sẽ là chủ tịch kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào thì không một nhà lãnh đạo nào công khai xác thực điều đó. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khi tới lúc tuyên bố lãnh đạo và chương trình nghị sự chính trị mới, kể cả có những khác biệt thì đảng cầm quyền Trung Quốc luôn thể hiện sự thống nhất tuyệt đối. “Những gì xảy ra ở thời khắc cuối cùng là sự đồng thuận, đồng thuận công khai", Juan Wang, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học McGill, Canada đánh giá.

Thái An (theo CBC)