Trước chuyến công du của ông Tập Cận Bình, một số quan chức Trung Quốc đã đi lại như con thoi giữa Bắc Kinh và Moscow chuẩn bị cho một thỏa thuận lớn về dầu mỏ và khí đốt.

Năm 1979, không lâu sau khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã tới thăm Mỹ. Tại đó, với những hành động và sự thể hiện của mình, ông đã cho giới quan sát nhìn thấy rõ con đường ông sẽ dẫn dắt đất nước là hướng tới các thị trường phương Tây.

Ảnh: foreignpolicy

Nhưng ông Tập Cận Bình, người vừa hoàn tất quá trình kế nhiệm những vị trí cấp cao nhất Trung Quốc, thì lại có hướng đi khác. Trong chuyến công du đầu tiên, ông tới Moscow. Vậy chuyến đi ấy có là biểu tượng xác định con đường phía trước của Trung Quốc, giống như chuyến đi Mỹ của Đặng Tiểu Bình?

Còn quá sớm để bình luận, nhưng chắc chắn ông Tập muốn chuyến đi của mình sẽ thành công.

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui cho biết, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 22-24/3 sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước. “Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đối với quan hệ Nga - Trung. Chủ tịch Trung Quốc đã chọn Nga cho chuyến thăm đầu tiên của mình sau khi nhậm chức đã thể hiện sự đánh giá cao quan hệ Trung - Nga từ phía giới lãnh đạo mới của Trung Quốc và chứng minh mức độ cao và tính độc chiếm của quan hệ đối tác- hợp tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, quan hệ song phương đang nằm trong “giai đoạn lịch sử thịnh vượng nhất, sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau đã đạt được tầm cao chưa từng có”.

Lại nói về lãnh đạo mới của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình từ thuở "sơ khai" đã có những kiến thức về nước Nga, đó là khi theo học tại ngôi trường hàng đầu ở Bắc Kinh, trường 101 chuyên dành cho con em của các lãnh đạo cấp cao. Theo những cộng sự thân thiết của ông, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc thậm chí đã học cả thơ ca Nga.

Trước chuyến công du của ông Tập, một số quan chức Trung Quốc đã đi lại như con thoi giữa Bắc Kinh và Moscow chuẩn bị cho một thỏa thuận lớn về dầu mỏ và khí đốt. Cho dù Nga có thể mở một huyết mạch năng lượng cho Trung Quốc, thì cơ bản mọi thứ vẫn phụ thuộc vào giá cả. Trong nhiều năm qua, hai nước này đã tiến hành nhiều cuộc thương thảo để Trung Quốc tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu từ Nga, giúp Bắc Kinh ít phụ thuộc hơn vào vịnh Ba Tư và Đông Phi. 

Nga và Trung Quốc còn dự kiến thành lập một quỹ đầu tư chung mới, quy mô lớn.

Một số nhà quan sát cho rằng, ông Tập sẽ sớm thực hiện "trục" riêng của Trung Quốc. Theo đó, động thái của Bắc Kinh hướng tới Moscow là một phản ứng với "trục xoay quân sự" của Washington - khi bối cảnh hiện tại có điểm tương đồng với các cường quốc phương Tây quay lưng với Trung Quốc những năm 1950.

Tuy vậy, mối quan hệ lịch sử là chưa rõ ràng. Khác với Liên Xô những năm 1950, Trung Quốc đã vận hành một nền kinh tế thị trường thành công, hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu và trông chờ nhiều vào xuất khẩu sang phương Tây.

Công cuộc cải tổ kinh tế mà ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu áp dụng với Trung Quốc tháng 12/1978 đã đẩy Trung Quốc ra xa hơn chính sách tự cung tự cấp thời Liên Xô cũ. Cũng kể từ đó, Trung Quốc tăng trưởng luôn ở mức trung bình gần 10%, GDP tăng từ 175 tỉ USD lên tới 7,3 nghìn tỉ USD.

Vào thời điểm 1979, Trung Quốc tràn đầy sự lạc quan, còn giờ đây, Trung Quốc một lần nữa đứng ở "ngã ba đường". Những người bảo thủ hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ hướng tới mô hình như nước Nga của Tổng thống Putin. Phía còn lại cho rằng, nếu tiếp nối con đường cải cách của người cha, ông Tập có thể sử dụng chuyến thăm Moscow vừa để neo giữ phe bảo thủ nhưng rồi lại vừa lặng lẽ bắt đầu trở lại cuộc hành trình mở cửa và cải cách của Đặng Tiểu Bình.

Thái An (theo foreignpolicy)