Nguồn nguyên liệu thô và dự trữ năng lượng khiến Trung Á được cả Nga và Trung Quốc quan tâm đặc biệt. Hai nước đang chia sẻ những lợi ích trong khu vực nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cn Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên rất phức tạp bởi tính vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Trong chuyến thăm chính thức Nga đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các vấn đề chính trị và kinh tế song phương là tâm điểm các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Nga và Trung Quốc thích thú về những gì mà nhiều chuyên gia thường gọi là mối quan hệ đối tác chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là mối quan hệ ấy không có vấn đề. Câu chuyện năng lượng thường làm phát sinh bất đồng khi cả hai tìm kiếm nỗ lực gia tăng ảnh hưởng và quyền lực tại Trung Á.

Theo giáo sư người Đức Günter Knabe, Nga và Trung Quốc không bao giờ tìm thấy điểm chung khi nói đến Trung Á và dường như không có khả năng làm như vậy trong tương lai.

"Họ có một số lợi ích chung nhưng đó là tạm thời và giới hạn", ông nói. "Còn rất nhiều vấn đề khác mà họ là đối thủ cạnh tranh nếu không nói là đối đầu".

Mục tiêu và lợi ích

Trung Quốc hiện đi theo một mục tiêu chính: mở rộng kinh tế. "Trung Quốc cần nguyên liệu thô và năng lượng. Họ đang cố gắng có được những tài nguyên này ở bất cứ nơi đâu, họ có thể sử dụng bất kỳ biện pháp nào để sở hữu chúng", Knabe nhấn mạnh, Trung Á giống như một kho báu nguyên liệu thô và dự trữ năng lượng đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Nga, đất nước có nhiều nguyên liệu thô, hiện đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực. Mục tiêu chính của họ là duy trì quyền kiểm soát với những tuyến vận chuyển năng lượng chủ chốt. Giáo sư Knabe nói rằng, ông tin là sự cạnh tranh giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ gia tăng tại Trung Á.

Tuy nhiên, Andrej Grosin tại Viện Nghiên cứu Nga cho biết, không có sự cạnh tranh rõ rệt giữa hai nước. Theo ông, các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc không đặt ra vấn đề với Nga và thập kỷ qua đã minh chứng rằng, sự mở rộng kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á ảnh hưởng nhiều tới phương Tây hơn là giới kinh doanh Nga. Khác với các công ty Trung Quốc, phía Nga không tìm kiếm thu hút nguồn năng lượng lớn từ Uzbekistan và Turkmenistan vì họ có đủ trữ lượng năng lượng. Ông này nhấn mạnh, Moscow cũng không có kế hoạch khai thác lớn nào ở Trung Á.

Cũng theo Grosin, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực là giới hạn. "Bắc Kinh thích các khu vực ở Trung Á cung cấp dầu, khí đốt và kim loại", ông nói. "Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc có cái nhìn thực tế về lợi ích của Nga và của các nước Trung Á". Ông nhấn mạnh, các quốc gia Trung Á sẽ tiếp tục tập trung vào mối quan hệ với Nga.

Về an ninh, Trung - Nga chia sẻ những mối quan tâm chung đặc biệt là vấn đề Afghanistan và các khu vực lân cận. Theo ông Knabe, hai nước đều thấy trước những khó khăn khi phe hồi giáo cực đoan có thể khôi phục ảnh hưởng vào thời điểm NATO rút khỏi Afghanistan. Đó vấn đề đau đầu với cả Moscow và Bắc Kinh.

Nga và Trung Quốc còn có thể tận dụng bên còn lại trong cách hành xử với Mỹ khi Washington đang tăng cường sự hiện diện tại châu Á. Tuy nhiên, nhà phân tích Grosin lại có quan điểm trái ngược. Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ không chỉ trông chờ vào quan hệ đối tác với Nga. "Người Trung Quốc có một công thức đơn giản để thành công - hợp tác với Nga cũng như với Mỹ", ông cho biết.

Thái An (theo dw)