Singapore là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới. Đảo quốc này coi kiểm soát tham nhũng có ý nghĩa chiến lược trong phát triển đất nước. Luật pháp quy định bất kỳ ai bị kết án tham nhũng đều phải trả số tiền phạt tương đương với tiền hối lộ người đó đã nhận.

Lãnh đạo Singapore cho rằng, tham nhũng khi không bị kiểm soát sẽ bóp méo các giá trị, làm suy yếu sự công bằng và ổn định trong xã hội, biến chất và làm suy yếu luật pháp, đặc biệt nếu việc hối lộ để nhằm ngăn cản thực thi pháp luật sẽ dẫn tới bất mãn với chính quyền.

Trao thực quyền cho Cơ quan điều tra tham nhũng

Năm 1959, khi Singapore giành được quyền tự chủ, họ đã thừa hưởng từ Anh một thực trạng tham nhũng lan tràn trong cơ quan công quyền. Luật pháp yếu ớt, thu thập bằng chứng khó khăn khi luật chống tham nhũng ít hiệu quả và khiến các quan tham cao chạy xa bay, người dân không ý thức hay không biết về các quyền của họ, dân đã quen phục tùng quan chức và quen với cách đối xử bất công, công chức không được trả lương tương xứng, cảnh sát chống tham nhũng không tuân thủ cam kết chống vấn nạn này khi nó liên quan tới chính các cộng sự…

Ảnh minh họa: tacp
Trước thực tế này, các nhà lãnh đạo đã thay đổi luật pháp để đem lại quyền lực nhiều hơn cho Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB).

Các quy định được đánh giá lại thường xuyên để đảm bảo người phạm tội không thể tránh khỏi sự trừng phạt của luật pháp và tham nhũng phải bị trả giá. Luật bao gồm yêu cầu tòa án ra phán quyết với bất kỳ ai bị kết án tham nhũng phải trả số tiền phạt tương đương với tiền hối lộ mà người này đã nhận. Đặc biệt, các thành viên của CPIB hiện tại, bên cạnh các quyền liên quan tới cảnh sát điều tra, còn có những quyền đặc biệt khác.

Theo luật định, công tố viên cũng có thể yêu cầu kiểm soát viên về thuế thu nhập cung cấp thông tin của người phạm tội cho CPIB.

Bên cạnh các biện pháp lập pháp, biện pháp hành chính cũng được áp dụng để giảm bớt cơ hội của công chức trong việc liên quan tới tham nhũng hay các hành vi sai phạm và khiến CPIB hiệu quả hơn. Đó là:

- Sử dụng các nhà điều tra dân sự thường trực.
- Để CPIB tự do hành động mà không sợ hãi hay thiên vị bất cứ ai ở địa vị xã hội nào, màu da, tín ngưỡng hay quan hệ chính trị ra sao.
- Tinh giản thủ tục hành chính rườm rà
- Cắt giảm mạnh tay tệ quan liêu.
- Cân nhắc thường xuyên mức lương công chức để đảm bảo họ được trả tương xứng với vị trí và công bằng với lĩnh vực tư nhân.
- Khuyến cáo các nhà thầu chính phủ vào thời điểm hợp đồng được ký kết mà hối lộ công chức thì hợp đồng có thể bị chấm dứt. Thậm chí điều này còn được đưa vào điều khoản của hợp đồng.
- Một nhà thầu hối lộ sẽ bị cấm 5 năm ký kết hợp đồng công trừ phi người này hợp tác đầy đủ với nhà chức trách.

Trừng phạt

Singapore đưa ra các hướng dẫn chặt chẽ để ngăn chặn công chức liên quan tới tham nhũng hoặc sai phạm. Đó là:

- Công chức không thể vay tiền từ, hoặc trong bất cứ cách nào đặt mình dưới một bổn phận tài chính với bất kỳ ai trong bất kỳ cách nào thuộc thẩm quyền chính thức của mình hoặc có các giao dịch chính thức với mình;
- Công chức không thể sử dụng bất kỳ thông tin chính thức nào để mưu cầu lợi ích riêng.
- Phải kê khai tài sản ngay thời điểm đầu tiên được bổ nhiệm và hàng năm sau đó.
- Không thể tham gia vào bất kỳ công việc bán thời gian nào mà không được phê duyệt...

Công chức tham nhũng có thể bị trừng phạt theo một trong hai cách: Đưa ra tòa nếu có bằng chứng đầy đủ để truy tố; kỷ luật tại cơ quan nếu thiếu bằng chứng truy tố.

Tại Singapore, cả người đưa và nhận hối lộ đều bị kết tội tham nhũng và chịu hình phạt như nhau. Một người bị kết án tham nhũng có thể bị phạt 100.000 USD hay chịu án tù 5 năm hoặc cả hai. Nếu người phạm tội liên quan tới một hợp đồng chính phủ hoặc một thành viên quốc hội hoặc một thành viên của tổ chức công, án tù có thể tăng đến 7 năm. Bên cạnh việc phạt tiền và tống giam, người bị kết án tham nhũng sẽ phải trả lại số tiền hối lộ. Ngoài ra, tòa án có quyền sung công tài sản từ người phạm tội tham nhũng.

Một công chức nếu bị kết án tại tòa vì tội tham nhũng sẽ bị mất việc làm. Nếu là người hưởng lương hưu, thì lương hưu và các khoản trợ cấp khác cũng không còn.

Người tố cáo không sợ bị trả thù

Trách nhiệm chống tham nhũng không chỉ thuộc về CPIB. Trong khi cơ quan này đảm nhận trách nhiệm điều tra các vụ việc tham nhũng, thì trách nhiệm cơ bản trong ngăn chặn tham nhũng thuộc về từng ban ngành. Một thư ký thường trực của một bộ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng, mỗi ban ngành cấp dưới đều có một ủy ban xem xét các biện pháp chống tham nhũng.

Người này sẽ đảm bảo các biện pháp thích hợp để ngăn chặn tham nhũng như: Cải tổ các thủ tục cồng kềnh rườm rà để tránh chậm trễ trong việc cấp giấy phép; Xây dựng hệ thống kiểm soát để đảm bảo công chức cấp dưới có quyền quyết định không lạm dụng quyền lực; Đảm bảo việc kiểm tra định kỳ hay bất ngờ được thực hiện; xem xét các biện pháp chống tham nhũng…

CPIB đã giành được sự tin tưởng và ủng hộ của người dân Singapore trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đây được coi là một tổ chức có hiệu quả góp phần khiến Singapore trở thành một trong những quốc gia trong sạch nhất thế giới.

Các thành viên của CPIB thường dễ dàng tiếp cận với người dân, những người cung cấp thông tin về tham nhũng. Thông tin hay đơn kiện được xử lý một cách nhanh chóng và người phạm tội bị trừng phạt, giúp tạo ra một xã hội không còn phục tùng công quyền, sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng mà không sợ bị trả thù.

Bộ phận giám sát trực tiếp của CPIB là Văn phòng Thủ tướng. Người dân luôn đánh giá CPIB là tổ chức hiệu quả và đáng tin cậy với lịch sử các cuộc điều tra chống lại những nhân vật nổi bật.

Nói tóm lại, không một quốc gia nào trên thế giới hiện nay có thể tuyên bố không hề có tham nhũng. Tuy nhiên, Singapore đã kiểm soát vấn đề này một cách khá hiệu quả. Thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng của Singapore có thể bắt nguồn từ: Tầng lớp lãnh đạo chính trị cam kết mạnh mẽ chống tham nhũng; luật pháp cung cấp đầy đủ quyền lực để ngăn chặn tham nhũng; sự ủng hộ của người dân và quan chức; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nỗ lực không mệt mỏi của cơ quan chống tham nhũng trong việc điều tra bất kỳ trường hợp nào mà không e ngại hay có sự thiên vị.

* Đây là lược trích bài phát biểu của ông Muhammed Ali - quyền trợ lý giám đốc của Cơ quan điều tra tham nhũng Singapore tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về quản trị tốt và chống tham nhũng.

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.

Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

  • Thái An (lược dịch)