- Dù ai nói thế nào thì việc "dứt áo" khỏi cơ quan cũ là một trong những quyết định sáng suốt trong đời tôi. Làm ở đâu cũng đều phục vụ đất nước.
Các tin liên quan |
Công chức 'dứt áo' sẵn lòng quay về: Tôi không hâm |
TS Nguyễn Khắc Hùng là Viện trưởng Viện lãnh đạo và quản lý (LMI), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tư vấn và phát triển quản lý (MCaD). Trước đó, ông từng phụ trách Ban Quốc tế, Học viện Hành chính quốc gia.
TS Hùng từng hoàn thành thạc sỹ năm 1996 và tiến sỹ tại Vương quốc Anh năm 2002 cùng về cải cách hành chính (CCHC) ở Việt Nam.
Ông chia sẻ với VietNamNet những vấn đề đặt ra từ loạt bài công chức dứt áo hay quay trở lại khu vực nhà nước:
Không thể để tồn tại nhiều "Hòa thân"
Là người từng có "chức sắc" ở một cơ sở đào tạo công chức lớn của cả nước, nay là chủ một công ty chuyên làm việc về các dự án CCHC của các nhà tài trợ lớn, ông thấy sự khác biệt giữa môi trường công chức và môi trường tư nhân là gì?
Môi trường làm việc trong công vụ vừa có tính quyền lực nhà nước, vừa mang tính phục vụ rất cao, đòi hỏi người công chức phải có tâm và năng lực. Bên cạnh một số mặt tích cực, môi trường làm việc trong công vụ còn chứa đựng nhiều yếu tố trì trệ, cản trở những người có năng lực, không khuyến khích cái mới.
TS Nguyễn Khắc Hùng là Viện trưởng Viện lãnh đạo và quản lý (LMI) |
Một đồng nghiệp đã quá cố của tôi từng nói, trong thực tiễn hoạt động của công chức đã có quá nhiều sự việc mà các tiền nhân đã tổng kết như “vắt chanh bỏ vỏ”, “gắp lửa bỏ tay người”; “qua cầu rút ván” v.v...
Tôi không xem đó là tổng kết, song không thể không nói là trong các cơ quan nhà nước ta hiện còn quá ít “Lưu gù”, nhiều “Hòa thân”. Khi đã thiếu cả tâm và tầm thì những người này thành vật cản cho hoạt động của các công chức khác và cả bộ máy công vụ.
Ở khu vực tư nhân, hiệu suất làm việc là yếu tố quyết định, nên bắt buộc mọi người phải làm việc hết mình nếu muốn có thành công.
Lợi ích nhóm bóp méo quy định
Việt Nam đã triển khai CCHC từ nhiều năm nay, con người (công chức) được xác định là trung tâm, song sự bức xúc của đội ngũ công chức đối với môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ vẫn còn đó, bức xúc của người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền hàng ngày cũng như trước không ít chính sách "trên trời" cũng không giảm. Luật lệ đã có rất nhiều, nhiều đề án, nghị định đã và sẽ được ban hành với những mục tiêu rất lớn (trọng dụng tài năng, thực tập lãnh đạo v.v...). Phải làm gì để văn bản được áp dụng thực chất? Đổi mới nên bắt đầu từ khâu nào, theo ông?
Quy định là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác.
Để các quy định thực sự đi vào cuộc sống, phải thay đổi tư duy của lãnh đạo và chính các công chức về vai trò của mỗi người, đặt trong tổng thể thay đổi chức năng của nhà nước - từ cai trị, điều hành sang phục vụ, với trọng tâm là tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế - xã hội hoạt động, Nhà nước giảm bớt việc trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh.
Việc này không thể làm xong trong một sớm, một chiều, mà phải làm dần, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cần thay đổi từ hệ thống giáo dục và đào tạo, chú trọng tới con người thay vì chú trọng vào những thứ khác như quyền lực, địa vị, vật chất...
Trong nội bộ hệ thống công vụ, cần chuyển dần hệ thống cán bộ theo lối chức nghiệp truyền thống, thâm niên, “sống lâu lên lão làng” hiện nay sang chế độ việc làm, lấy năng lực và hiệu quả công việc làm căn cứ cho tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt.
Cần có chính sách lương, thưởng xứng đáng cho những người làm việc có hiệu quả cao. Ngoài ra, cần có chế độ thanh kiểm tra công vụ, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp làm trái với chủ trương, đường lối, chèn ép người có năng lực.
Những điều này hiện trong quy định đều có cả, song ở từng cơ quan, đơn vị, thường bị bóp méo đi, hay không được xem trọng vì những lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm...
Cân nhắc nếu muốn quay về
Ông có lời khuyên nào cho vị tiến sĩ kinh tế trong bài Công chức 'dứt áo' sẵn lòng quay về: Tôi không hâm?
Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng trong công vụ nước ta hiện nay chưa có “Minh chủ” thực sự sáng suốt, công minh, quyết liệt bảo vệ người cán bộ, công chức có năng lực. Trong mỗi con người chúng ta đều có chữ “tâm”, nếu đồng nghiệp đó mong muốn trở lại làm việc, cống hiến cho một cơ quan nhà nước thì cũng đáng hoan nghênh.
Song để quay trở lại làm việc cũng phải cân nhắc, đã có cơ chế như vậy chưa? Hoặc có sẵn sàng tham gia thi tuyển lại công chức từ đầu để làm một nghiên cứu viên tập sự? Sau hơn 5 năm ra làm việc ngoài nhà nước, điều tôi rút ra được là mình vẫn phục vụ cho nhà nước, mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội nói chung.
Tôi tâm niệm là dù làm việc trong hay ngoài nhà nước, mỗi cá nhân đều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Khu vực tư nhân cũng rất cần có những người có tâm và có tầm để trở thành động lực phát triển quốc gia. Với cá nhân tôi, dù ai nói thế nào thì quyết định xin ra khỏi cơ quan cũ là một trong những quyết định sáng suốt và đúng đắn trong 50 năm cuộc đời.
Hiền Anh