>> Dự thảo Hiến pháp sửa đáng kể so với ban đầu
>> Triệu góp ý và một bản dự thảo
Cuối cùng thì bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi phiên bản mới (tiếp thu, chỉnh lý theo góp ý của người dân) đã được ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra.
Sau phiên họp tuần qua tại Ủy ban Thường vụ QH, các ý tưởng đề xuất được tiếp thu đến đâu, mức độ nào rồi sẽ còn phải mổ xẻ. Bản phác thảo mới được giới thiệu lần này rồi sẽ còn phải sửa chữa, thay đổi rất nhiều mới đi đến được bản Hiến pháp cuối cùng.
Dự thảo Hiến pháp sẽ còn tiếp tục được bàn bạc, xem xét trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi tại kỳ họp QH giữa tháng 5 tới đây. Nhưng một điều đáng hoan nghênh là bản dự thảo vừa được ban biên tập hoàn thiện với hình hài mới đã đáp ứng phần nào sự kỳ vọng của người dân.
Ông Đặng Văn Khoa phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 27/3 ở Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng |
Trước hết, hầu như những ý kiến đóng góp của người dân thời gian qua đều được ban biên tập tiếp thu với lý lẽ giải trình đầy đủ, xác đáng. Những đề xuất nổi bật, tiêu biểu đều được ghi nhận. Có những vấn đề đã được ghi vào bản dự thảo (như đổi tên nước, bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, trưng cầu dân ý về Hiến pháp…) hoặc cũng có nội dung còn phải để lại nghiên cứu tiếp thu sau (như xây dựng luật về Đảng)… Song đúng như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là tiếp thu hay không cũng đều cần có giải trình đầy đủ.
Riêng điều này thôi đã thể hiện thái độ thật sự cầu thị, tôn trọng và lắng nghe dân. Dù bản Hiến pháp chưa được thông qua, nhưng rõ ràng người dân đang cảm thấy mình ở vai trò người làm chủ. Đây sẽ là sự khích lệ, động viên rất lớn để tới đây, người dân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho những chủ trương, quyết sách của đất nước. Đồng thời, cũng để giải tỏa nỗi lo lắng, băn khoăn thời gian qua, đó là liệu quá trình tiếp thu ý kiến ngắn ngủi như vậy có đạt được thực chất hay chỉ “làm cho có”.
Điểm cộng thứ hai, đó là hầu hết những vấn đề nhân dân quan tâm thời gian qua đều được ban biên tập đề xuất hai phương án (khoản 1 điều 4 Hiến pháp, tên nước, trưng cầu dân ý…). Một là giữ nguyên nội dung cũ của bản dự thảo lần đầu và phương án thứ hai là ý kiến đề xuất của người dân. Cách làm mới mẻ và dân chủ này sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thảo luận tiếp theo. Cuối cùng chỉ một phương án được chốt lại, nhưng đó sẽ là phương án đã được mổ xẻ, cân nhắc, sàng lọc dựa trên những lý lẽ thuyết phục và hợp lý chứ không chỉ là sự chọn lựa duy ý chí theo quán tính có sẵn.
Tới đây, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ còn nhiều công việc cần làm trước khi báo cáo các nội dung chính của dự thảo trình hội nghị Trung ương 7 (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5) để thảo luận tiếp. Kỳ họp QH khai mạc nửa cuối tháng 5 sẽ tiếp tục góp ý cho dự thảo này, trách nhiệm thiêng liêng và nặng nề sẽ đặt lên vai các đại biểu QH. Để rồi sau đó nhân dân sẽ tiếp tục tham gia ý kiến về sửa đổi Hiến pháp ở bản dự thảo mới tới hết tháng 9.
Lê Nhung