- Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ chuẩn bị dự án luật Biểu tình và luật Trưng cầu ý dân sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
>> Toàn cảnh góp ý sửa đổi Hiến pháp
Ông Phan Trung Lý phát biểu khi
thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp luật 2014
tại phiên họp của UBTVQH chiều 15/4.
Ông Lý cho hay, hai dự án luật này đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp
lệnh của QH khóa XIII. Đây là các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung
của Hiến pháp.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay, việc đề nghị chuẩn bị
dự án luật trên ngay trong năm 2014 là khó khăn cho Chính phủ do sau khi Hiến
pháp sửa đổi vừa thông qua Chính phủ phải chuẩn bị một số lượng lớn luật.
Ông tán thành phương án đưa vào chương trình chuẩn bị trong năm 2014. Như thế đỡ
gấp hơn so với đề xuất của UB Pháp luật để Chính phủ có thời gian chuẩn bị chất
lượng.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, sau khi thông qua Hiến pháp, việc được
đưa luật vào chuẩn bị, xem xét để thông qua sẽ đem luồng sinh khí mới trong xã
hội. Bản thân dự án luật cũng đã có trong chương trình làm việc của toàn khóa
(QH khóa XIII). Nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, nên để sau khi thông qua Hiến
pháp thì "chèn" vào chương trình sau khi có điều kiện thích hợp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, 2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị
những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013.
Dù là luật "đi theo Hiến pháp", nhưng ông băn khoăn tính khả thi về công tác
chuẩn bị dự luật Biểu tình và Trưng cầu dân ý để xem xét cho ý kiến ngay trong
năm 2014. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành chưa có bước chuẩn bị chính thức.
Do đó, ông đề nghị, các dự án luật nêu trên cần "chuẩn bị tốt" rồi mới đưa vào
chương trình làm việc chính thức.
Tại kỳ họp QH cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đề nghị QH xây dựng
luật Biểu tình nhằm thể chế hóa điều 69 của Hiến pháp năm 1992, tạo công cụ pháp
lý để công dân thực hiện quyền của mình và Nhà nước quản lý, kiểm soát hoạt động
biểu tình theo đúng pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh khi chưa có luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động này thì
"khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và khó cho chính
quyền quản lý. Dễ nảy sinh lúng túng trong quản lý. Từ đó nảy sinh việc mất an
ninh trật tự, xuất hiện việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc, gây phương hại
cho xã hội".
Tránh 'đưa vào rồi lại đưa ra'
Xác định năm 2014 là năm tập trung cho việc hoàn thiện thể chế sau khi Hiến pháp
sửa đổi được thông qua, Chính phủ đề xuất số lượng các dự án dự kiến đưa vào
chương trình năm 2014 khá lớn với 55 dự án luật.
UB Pháp luật đồng tình, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào
cuối 2013 thì năm 2014 cần ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy, các luật liên quan quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các dự án phục
vụ cho tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, số lượng dự án luật,
pháp lệnh đề nghị quá nhiều so với khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của
các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, UBTVQH và khả năng xem xét, thông qua của
Quốc hội. Do đó để đảm bảo tính khả thi, cần phải cân nhắc thận trọng, sự cần
thiết của các luật đề nghị, không thể làm theo kiểu "nước bắc lên gạo chưa có".
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình quan điểm chỉ đưa vào chương trình những
dự án thật cần thiết, hệ trọng, chuẩn bị tốt, chất lượng, không thể đưa vào
chương trình cả những dự án luật "chưa thấy mặt" như luật Thư viện, tránh trường
hợp "đưa vào rồi lại đưa ra".
Linh Thư