- Một trong các hoạt động nổi bật năm nay của Viện nghiên cứu lập pháp là tổ chức các hội thảo xây dựng tiêu chí, phương pháp cũng như xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Để phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp, Viện nghiên cứu lập pháp sẽ khảo sát, tìm hiểu nhu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở nhiều cơ quan, tổ chức.

Các nhà nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu về quy trình, thủ tục giám sát cũng như lập pháp của các cơ quan Quốc hội.

Phát biểu tại lễ khởi động dự án tăng cường năng lực nghiên cứu lập pháp và năng lực công nghệ thông tin - truyền thông cho Viện sáng nay (8/3), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói "đòi hỏi hiện nay yêu cầu Quốc hội phải tự nâng tầm mình lên. Cơ quan tham mưu giúp việc cho Quốc hội cũng phải chủ động đi trước để đón nhu cầu".

Dự án tăng cường năng lực cho Viện nghiên cứu lập pháp do Viện phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo. Ảnh: TTXVN
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội đang hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng đúng mong mỏi của cử tri. Thông qua các hoạt động hữu ích, Viện nghiên cứu lập pháp sẽ cung cấp cho đại biểu những nghiên cứu khoa học và phân tích chính sách sâu hơn.

Trong hơn một năm rưỡi hoạt động, dự án sẽ có nhiều nghiên cứu thiết thực. Chẳng hạn tổng kết hoạt động về lập pháp, giám sát của Quốc hội khóa XII, từ đó đưa ra các khuyến nghị thiết thực thúc đẩy hiệu quả tiến trình đổi mới cho khóa XIII.

Ra đời năm 2008, Viện nghiên cứu lập pháp thời gian qua đã chủ động cung cấp nhiều thông tin giúp cho hoạt động của đại biểu Quốc hội chất lượng hơn.
  • Lê Nhung

"Thời điểm chín muồi sửa Hiến pháp"
Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực
Cựu Chủ tịch QH: Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp
Những ngộ nhận về Hiến pháp