Nhật Bản có thể tham gia cuộc đua phát triển máy bay tàng hình với Mỹ, Trung Quốc và Nga. Các quan chức không quân cấp cao của nước này cho hay, Nhật dự kiến bay thử máy bay tàng hình đầu tiên trong ba năm tới.
Áp lực cạnh tranh
Loại máy bay tàng hình đầu tiên có thể bay thử nghiệm vào năm 2014, tướng Hideyuki Yoshioka, giám đốc phát triển hệ thống trên không tại Bộ Quốc phòng Nhật nói trong một cuộc phỏng vấn.
Mô hình máy bay tàng hình nội địa của Nhật. Ảnh:
AP
"Chúng tôi đã có hai năm theo đuổi dự án và đang theo đúng kế hoạch”, ông Yoshioka nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông, việc bay thử thành công loại máy bay tàng hình đầu tiên mang tên "Shinshin" hoặc “linh hồn” không có nghĩa là Nhật Bản sẽ lập tức bắt đầu sản xuất máy bay tàng hình. Mẫu đầu tiên được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ hiện đại, và nếu thành công, chính phủ Nhật vào năm 2016 sẽ quyết định tiến trình diễn ra thế nào.
Nhật Bản đang nhận thấy áp lực của một cuộc cạnh tranh trong khu vực nhằm giành ưu thế về máy bay chiến đấu. "Nếu các nước xung quanh Nhật Bản có khả năng tàng hình, Nhật sẽ cần phát triển những khả năng ấy để đảm bảo cho mục tiêu phòng thủ”, Yoshikazu Takizawa thuộc học viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ, Bộ Quốc phòng Nhật nói.
Trong phòng thủ, Nhật Bản phụ thuộc khá lớn vào liên minh của họ với Mỹ, với số lượng đáng kể máy bay chiến đấu và các loại máy bay khác cùng khoảng 50.000 quân đóng trên các quần đảo của Nhật. Tuy nhiên, liên minh này không đủ thuyết phục Tokyo nguôi đi “nỗi khát khao” F-22. Quốc hội Mỹ lo ngại rằng, F-22 chứa quá nhiều công nghệ bí mật để có thể chia sẻ cho dù là với những bạn bè thân cận nhất của Washington.
"Nhật Bản muốn F-22, nhưng Quốc hội
Mỹ không nhất trí”, Yoshioka nói. "Chúng tôi hiểu rằng, việc tự phát
triển các khả năng nội địa quan trọng thế nào”.
Trung Quốc gây ngạc nhiên
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đã có những tiến bộ nhanh hơn mong đợi trong nỗ lực hoàn thiện các loại máy bay tàng hình hiện đại, có thể là đối thủ của F-22.
Trung Quốc đã làm nhiều chuyên gia quân sự ngạc nhiên khi tuyên bố trình làng máy bay chiến đấu tàng hình, Thành Đô J-20, đồng thời thực hiện bay thử nghiệm loại này trong tháng 1 - thời điểm diễn ra chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
J-20 có nhiều điểm tương đồng với F-22 và gây ngạc nhiên cho các nhà hoạch định quân sự của Mỹ và Nhật Bản vì phát triển nhanh hơn dự tính. Chuyến bay thử đầu tiên của J-20 diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại khi Bắc Kinh gia tăng mạnh ngân sách quốc phòng, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân sự và ngày một quyết đoán hơn trong các vấn đề lãnh thổ.
Cho dù J-20 còn mất nhiều năm mới có thể sẵn sàng đi vào phục vụ, nhưng sự xuất hiện của nó đã cải thiện đáng kể khả năng của không quân Trung Quốc.
Loại máy bay chiến đấu mới của Nga, Sukhoi T-50, đã xuất hiện trên không năm ngoái và được hợp tác phát triển cùng không quân Ấn Độ. T-50 không chỉ thúc đẩy sức mạnh trên không của Nga mà còn là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, nước này mong muốn tiêu thụ nhiều hơn các loại máy bay chiến đấu hiện đại ở nước ngoài.
Trong lúc đó, không quân của Nhật đang già hóa nhanh chóng. Tokyo muốn thay thế các loại máy bay chiến đấu cũ F-4EJ và F-15 bằng các loại máy bay hiện đại hơn như F-35 hay F/A-18.
Các quan chức Nhật nhấn mạnh, nước này thực sự cần nâng cao khả năng của đội ngũ kỹ sư trong việc xây dựng máy bay tiêm kích nếu những nguồn nước ngoài từ chối bán lại, như cách Washington làm với F-22.
-
Thái An (Theo AP)