- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng nếu không triển khai các chính sách về quản lý vàng vừa qua thì hoạt động trên thị trường vàng sẽ mất ổn định và gây sốt giá như trước kia.
Phiên họp báo Chính phủ chiều nay 26/4 nóng quanh chuyện quản lý vàng. Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đối thoại trực tiếp với báo giới.
Thưa ông, vì sao giá vàng trong nước vẫn còn cao so với giá vàng thế giới? Mục tiêu đề ra trong các phiên đấu thầu vừa qua có đạt được hay không? Về vấn đề tăng cung ra thị trường, hầu như chỉ có các ngân hàng mua, vậy có phải chỉ để phục vụ việc tất toán vàng khi thời hạn ngày 30/6 để tất toán đang đến gần?
- Thứ nhất, về chênh lệch giá vàng. Phải khẳng định thực tế rằng Việt Nam không sản xuất được vàng. Tất cả nhu cầu về vàng miếng trong nước đều phải thông qua xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, đây là lý do để 2 năm gần đây NHNN không cấp phép để nhập vàng nguyên liệu.
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Ngoài lý do gần 2 năm qua không nhập khẩu vàng miếng để ổn định kinh tế vĩ mô thì nhu cầu vàng trong nước là có thực, nhất là từ các NH để phục vụ tất toán.
Lý do nữa là nếu theo dõi các giao dịch từ ngày 12/4 trở lại thì thấy trên thị trường vàng quốc tế có sự sụt giảm mạnh nhất, điều này càng làm cho giá chênh lệch trong và ngoài nước lớn thêm.
Từ khi triển khai nghị định 24 của Chính phủ, mặc dù giá chênh lệch nhưng không còn tái diễn tình trạng sốt vàng, đặc biệt thị trường trong thời gian qua là hết sức ổn định. Đây là 1 yếu tố then chốt, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô.
Về đấu thầu vàng, NHNN thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt quy định của Thủ tướng, phù hợp với các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối. Và đặc biệt, khi NHNN thực hiện đấu thầu thì vàng có nghĩa đã góp phần tăng lượng cung vàng trên thị trường vàng, đây là mấu chốt để đáp ứng nhu cầu.
Qua 12 phiên đấu thầu, tăng cung, giảm áp lực về cầu vàng trong nước.
Hơn nữa, thông qua đó tránh xáo trộn trên thị trường vàng và tái diễn hiện tượng tránh sốt vàng. Hoạt động dó cũng góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Còn về việc có phải thông qua tổ chức đấu thầu để đáp ứng nhu cầu tất toán vàng không thì rõ ràng là đã để giải quyết nhu cầu về vàng. Nhu cầu nắm giữ và đầu tư vàng là có thật.
NHNN có thể bán vàng trực tiếp cho các tổ chức tín dụng có nhu cầu nhưng để việc này tổ chức công khai minh bạch thì chúng tôi tổ chức đấu thầu vàng. Cho phép các tổ chức đủ điều kiện được tham gia đấu thầu vàng.
Khối lượng vàng của các tổ chức tín dụng sử dụng một phần dùng để tất toán. Thị trường trong nước cũng không gây ra xáo trộn và biến động nào.
Việc chênh lệch giá vàng lớn như vậy liệu có xảy ra tình trạng vàng lậu hay không? Về đấu thầu, có ý kiến cho rằng DN phải có số vốn rất lớn, hơn 40 tỷ đồng, thì mới được tham gia được đấu thầu. Mà DN hiện nay số vốn không lớn. Có xảy ra tình trạng lợi ích nhóm hay không?
- Quay trở lại trước thời điểm nghị định 24, khi đó xuất hiện tình trạng khan hiếm vàng. Đây là nhân tố gây áp lực lên lạm phát. Chúng tôi báo cáo Chính phủ ban hành các quy định chặt chẽ về nhập khẩu vàng miếng và sản xuất vàng miếng, tránh nhập lậu.
Vừa qua đã không xảy ra chuyện sốt giá hay người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây. Ảnh minh họa: Minh Thăng |
Theo dõi hoạt động tỷ giá thời gian qua có thể thấy thị trường ngoại tệ đang hết sức bình thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn cho mục tiêu thanh toán xuất nhập khẩu, đây là kết quả đạt được của việc kiểm soát thị trường.
Thứ ba, chế tài vừa qua là rất nghiêm khắc.
Điều kiện để kinh doanh và mua bán vàng miếng đã được quy định trong nghị định 24. Đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích mua bán, nên các DN muốn tham gia thì phải đáp ứng điều kiện, ví dụ nguồn vốn tối thiểu.
Khi DN và tổ chức tín dụng đáp ứng đủ điều kiện thì có thể thiết lập quan hệ giao dịch mua bán, quy trình cũng công khai minh bạch. Khi DN tham gia thì phải đảm bảo tiềm lực tài chính. Đây là những quy định được đưa ra để đảm bảo kinh doanh buôn bán cho chặt chẽ.
NHNN cũng quy định rất cụ thể điều kiện để DN được tham gia mua bán vì NH đã khống chế trạng thái vàng.
Khoản chênh lệch 5-6 triệu đồng như hiện nay ai đang hưởng lợi? Ngày 30/6 là thời hạn tất toán vàng, vậy NHNN có thể khẳng định là đến thời điểm nào giá vàng trong nước và thế giới có thể ngang bằng nhau?
- Trước hết, như tôi đã trình bày rõ, khi NHNN tham gia quá trình bình ổn thị trường vàng thì không phải nhằm bình ổn giá, tức không nhằm mục tiêu ngay lập tức kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới mà chỉ để tăng cung ra thị trường, giảm bớt áp lức về cầu và qua đó giải quyết vấn đề cầu về vàng.
Thứ hai, trong thời gian vừa qua, nhu cầu về vàng là có thực. Nhưng vừa qua đã không xảy ra chuyện sốt giá hay người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây. Có thể nói đây là thành công rất lớn của việc triển khai nghị định 24.
Vừa qua nếu không tăng cung ra thị trường thì chắc chắn với nhu cầu lớn như vậy hoạt động trên thị trường vàng sẽ mất ổn định và giá vàng sẽ biến động. Toàn bộ các nguồn thu đều về ngân sách nhà nước.
Vấn đề thứ hai, đến ngày 30/6, các tổ chức tín dụng sẽ phải tất toán. Đây cũng là một nhu cầu lớn gây áp lực lên thị trường. Đến thời điểm các NH đã hoàn thành việc tất toán thì chắc chắn nhu cầu cũng sẽ giảm. Chênh lệch giá khi đó sẽ giảm.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế, NHNN cho rằng đã thành công khi nỗ lực kéo giá vàng trong nước về gần giá thế giới. Nhưng hiện giờ giá vẫn cao, vậy theo ông, liệu có phải đã đạt kết quả?
- Như giải thích ở trên, xin khẳng định là khi NHNN triển khai nghị định 24 cũng như tham gia bình ổn giá vàng và tổ chức đấu thầu thì đã thành công khi tham gia cung ứng vàng để tránh biến động cung cầu, thị trường không xảy ra sốt như trước đây cũng như không tác động lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Chúng tôi cho rằng những thành công này là rất lớn. Cũng phải nhìn vào thực tiễn trong bối cảnh hiện nay cần lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Vàng không phải là mặt hàng nhà nước khuyến khích.
Lê Nhung