Báo cáo công tác của một số ít quan chức thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm rất ngắn, chỉ chừng 1,5 trang.

Trong kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 20/5 tới, lần đầu tiên QH sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh thuộc bốn nhóm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; Chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH và các ủy viên Thường vụ QH khác; Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (CP); chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

 

{keywords}
Đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH sắp tới với 49 chức danh. Ảnh: Minh Thăng
Chuẩn bị cho sinh hoạt dân chủ mới mẻ này, gần 40 vị thuộc các chức danh trên đã có bản báo cáo công tác gửi tới QH và được sao gửi các đại biểu (ĐB) QH. Đây là lần đầu tiên một hoạt động vốn chỉ diễn ra nội bộ, trong khuôn khổ công tác tổ chức cán bộ của Đảng, được diễn ra công khai tại nghị trường. Do đó, nhiều vị không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ - biểu hiện rất rõ ở bản báo cáo công tác của từng người.

Có những báo cáo rất sơ sài

Đầu tiên là tên văn bản, mỗi người một kiểu. Có vị tô đậm: “Báo cáo của người được QH lấy phiếu tín nhiệm”. Người khác viết: “Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác và phẩm chất đạo đức”. Dài, chi tiết hơn, một số lại chọn tiêu đề: “Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”. Ngược lại, dù rất hãn hữu, có báo cáo thiếu hẳn tiêu đề - phần được coi là bắt buộc của bất cứ văn bản mang tính hành chính - pháp lý nào.Về giới hạn thời gian, hầu hết các vị thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm lấy năm 2012 làm mốc để báo cáo công tác của mình. Trong khi đó, một số người lại chọn cách báo cáo toàn bộ các công việc từ khi được QH bầu, phê chuẩn tại kỳ họp đầu tiên, tháng 7-2011 đến nay. Điều này có thể gây khó khăn cho các ĐBQH khi so sánh, đánh giá công tác của các vị chức sắc với nhau.

Sự lúng túng còn bộc lộ ở chỗ nhiều người không biết mình phải báo cáo cho ai. Hiểu một cách chính xác, người được/bị lấy phiếu tín nhiệm trước hết phải báo cáo công tác của mình cho người cầm tờ phiếu đánh giá - tức từng ĐBQH. Thế nhưng rất nhiều báo cáo ghi địa chỉ gửi tới là Ủy ban Thường vụ QH.

Có những báo cáo mà phần mở đầu không nêu rõ tên người báo cáo (chỉ nêu chức danh bộ trưởng bộ A) và cũng không hề nêu địa chỉ gửi tới. Một số báo cáo sử dụng nhân xưng là “bộ trưởng”, “phó thủ tướng”. Đọc những văn bản như vậy, thắc mắc đầu tiên sẽ là ai báo cáo và báo cáo cho ai…

Các ĐBQH khi nghiên cứu các báo cáo này, điều đầu tiên quan tâm có lẽ là độ dày, mỏng. Hầu hết các báo cáo ở mức 6-8 trang A4. Một số dày hơn, chừng 12-15 trang. Số ít dài tới 25-30 trang, thậm chí còn kèm thêm phụ lục liệt kê công việc khá dày.

Độ dày, mỏng chưa hẳn đã nói lên tính chuyên nghiệp, mức độ chi tiết, súc tích của báo cáo nhưng một số ít vị đã lập một báo cáo rất ngắn - chỉ chừng 1,5 trang. Công tác hơn một năm trời của quan chức cỡ bộ trưởng hoặc chủ nhiệm ủy ban của QH mà lại trình bày quá gọn như vậy thì khó có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho những người bỏ phiếu.

Cái cần không báo, cái báo không cần

Đi vào nội dung của từng báo cáo mới thấy rõ hơn nhận thức, hiểu biết của từng vị chức sắc về trách nhiệm báo cáo, giải trình của mình trước QH.

Nghị quyết của QH cũng như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH quy định, hướng dẫn về lấy phiếu tín nhiệm đã nêu rõ: Báo cáo công tác cần bám vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ được QH bầu, phê chuẩn. Có nghĩa đây là báo cáo về trách nhiệm pháp lý trước cơ quan đã bầu/phê chuẩn mình. Thế nhưng một số vị chức sắc trong báo cáo của mình lại liệt kê những công việc về mặt đảng như việc tham gia các kỳ họp BCH Trung ương, việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, việc tuân thủ quy định 19 điều cấm với đảng viên…

Cũng đi vào nội dung, khá nhiều báo cáo dường như lặp lại báo cáo công tác của cơ quan, đơn vị nơi người đó đứng đầu. Có báo cáo đọc xong không hề thấy được vị chức sắc đó đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn luật định cho cá nhân mình như thế nào... Ngoài ra, báo cáo công tác của các vị bộ trưởng chỉ trình bày duy nhất phần việc đã thực hiện với tư cách bộ trưởng, mà quên mất rằng ngoài vị trí tư lệnh ngành, họ còn là thành viên CP, có trách nhiệm thảo luận, quyết định những vẫn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể CP. Điều này rất có thể ảnh hưởng tới phiếu tín nhiệm mà ĐBQH dành cho họ…

Trên đây chỉ là một vài cảm nhận ban đầu của một số ĐBQH mà PV ghi nhận về báo cáo công tác của gần 40 vị thuộc các chức danh QH bầu, phê chuẩn sẽ được QH lấy tín nhiệm trong kỳ họp tới. Thời gian vẫn còn, rất có thể khi đọc lại báo cáo của mình so sánh với của người khác, một số vị sẽ có báo cáo bổ sung hoặc báo cáo lại để ĐBQH hiểu chính xác, đầy đủ hơn công việc mình đã làm, nhờ đó có kết quả tốt trong lần lấy phiếu đầu tiên này.


                   Mục đích, căn cứ lấy phiếu tín nhiệm

Lấy phiếu tín nhiệm là việc QH thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Mục đích của việc lấy phiếu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Báo cáo công tác của người được lấy phiếu gồm các nội dung cơ bản sau đây:

1. Họ và tên, chức vụ do QH bầu/phê chuẩn;

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do QH bầu/phê chuẩn;

3. Tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;

4. Giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri do MTTQ chuyển đến (nếu có).

Đây là căn cứ để ĐBQH quyết định lá phiếu.

(Theo Nghị quyết 35/2012 của QH và Nghị quyết 561/2013 của Ủy ban Thường vụ QH về lấy phiếu tín nhiệm)

Theo Pháp luật TP.HCM