- Lần đầu 'tự chấm điểm", báo cáo công tác của một số ít quan chức thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm rất ngắn, chỉ chừng 1,5 trang, nhưng có bộ trưởng viết tới gần 40 trang.

Trao đổi với VietNamNet về việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm diễn ra ngày 10/6 tới, ông Nguyễn Văn Pha, ĐBQH tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho hay, ông cũng như các ĐBQH khác đã nhận được báo cáo kết quả công tác năm 2012 của tất cả những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Pha: Chỉ khi nào nghiên cứu thấu đáo thông tin, có sự trao đổi thỏa đáng các vấn đề chưa rõ thì khi đó đại biểu mới có quyết định chính xác được. Ảnh: Minh Thăng

Như vậy, đúng theo quy định của Nghị quyết 35, các ĐBQH - người giữ vai trò bỏ lá phiếu - đã có thông tin nghiên cứu trước 20 ngày diễn ra việc lấy phiếu tín nhiệm. Đây là khoảng thời gian để mỗi ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng, thậm chí trao đổi, kiểm chứng, đánh giá, nếu chưa thấy thỏa đáng thông tin.

Theo ông Pha, đây là bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đảm bảo ĐBQH có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu. Cá nhân ông nhận thấy không ít người để lại ấn tượng tốt, thể hiện trách nhiệm, sự chân thành, cầu thị thông qua bản báo cáo “tự kiểm điểm, đánh giá” của họ, có bộ trưởng gửi báo cáo công tác dài tới gần 40 trang.

Bản báo cáo kết quả công tác của 49 vị được gửi đến ĐBQH rất dày, thách thức không ít thời gian của ĐBQH, dù thực tế thời gian 20 ngày tưởng chừng khá thoải mái. Theo ông, làm thế nào để có thể xử lý thông tin từ đó đưa ra quyết định khách quan, chính xác?

Tôi cho rằng mỗi đại biểu cần dành thời gian để nghiên cứu kỹ từng bản báo cáo, cả về những kết quả đã làm, cả về tồn tại, hạn chế và các giải pháp đề ra, vì nó thể hiện sự trung thực của người làm báo cáo.

Nếu có vấn đề gì thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm chưa rõ mà liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm cụ thể nào đó thì đại biểu cần gửi văn bản đến người đó yêu cầu làm rõ (chậm nhất 10 ngày trước ngày Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm). Nghị quyết 35 cũng quy định trong trường hợp đó người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu của đại biểu.

Tôi nghĩ chỉ khi nào nghiên cứu thấu đáo thông tin, có sự trao đổi thỏa đáng các vấn đề chưa rõ thì khi đó đại biểu mới có quyết định chính xác được.

Như vậy quyết định đó phụ thuộc vào mỗi ĐBQH, thưa ông?

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vì vậy trên hết, các đại biểu cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, từ đó có thái độ khách quan, công tâm để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, không cảm tính, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Sau việc nghiên cứu các bản báo cáo, ĐBQH như ông chờ đợi việc lấy phiếu đạt đúng mục đích mà Nghị quyết 35 đã nêu ra sao?

Tôi được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang khẩn trương soạn thảo một “kịch bản” rất chi tiết, cụ thể về vấn đề này theo đúng quy định của Nghị quyết 35 để gửi tới từng đại biểu Quốc hội nhằm giúp cho hoạt động này được tiến hành suôn sẻ, đúng pháp luật.

Để hoạt động chính trị dân chủ này trở thành thông lệ, hướng tới một văn hóa tín nhiệm rộng rãi, theo ông cần điều gì?

Tôi nghĩ cử tri và nhân dân hoan nghênh việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Để làm tốt việc này, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Linh Thư