- Thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng nay, rất nhiều đại biểu QH cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào bức tranh kinh tế đang u ám hiện thời để có quyết sách hợp lý thay vì các bộ ngành gửi báo cáo, thống kê với những thông tin rất "sạch".

Lúng túng đi tìm giải pháp

Tại tổ TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa lên tiếng, thông tin Chính phủ nêu trong bản báo cáo chưa tương xứng với thông tin mà bản thân các ĐBQH tự tìm hiểu được. "Hơn 500 người mà chỉ cung cấp một bản báo cáo như thế này thì quá sơ lược, không thể đánh giá hay bàn luận được điều gì vì không đủ thông tin", ông Nghĩa than thở.

Theo ông Nghĩa, chính điều này khiến cho người dân không thể cảm nhận được hết tính chất nghiêm trọng của tình hình.

{keywords}
Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Trả nợ hết cũng phải mất cả nhiệm k

Sự trì trệ còn thể hiện ở chỗ các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được nói đến tương đối nhiều nhưng triển khai lại chậm.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, chính sách hay chủ trương gì cũng do con người đưa ra, nhưng để chậm trễ như vậy xảy ra hậu quả gì lại chưa được Chính phủ đề cập. "Chúng ta đã nghe DN nói nhiều rồi, chuyên gia cũng nói nhiều, nhưng vì sao khi giải quyết lại chậm như vậy? Tôi thấy chưa thể yên tâm", bà nói.

Còn theo ĐBQH Trần Du Lịch, cần vực nền kinh tế giai đoạn này bằng những biện pháp thật sự đặc biệt chứ cách làm bình thường không thể giúp giải quyết tình hình. "Không nên lưu luyến kế hoạch 5 năm đã đề ra mà phải xây dựng chương trình đặc biệt cho ba năm 2013-2015, với mục tiêu là dùng tất cả chính sách để vực nền kinh tế đi lên chứ không thể để trì trệ", ông Lịch khẳng định.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông đánh giá, bức tranh tổng thể vẫn còn ưu ám. Một số chính sách điều hành kinh tế được ban hành mới chỉ là giải pháp đối phó. Việc giảm, giãn thuế cho DN đều chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Đáng báo động hơn cả là trong bối cảnh khó khăn, các nhà hoạch định chính sách vẫn rất lúng túng đi tìm giải pháp.

Không để trì trệ mãi

Chính các ĐBQH đồng thời là chủ DN đã cung cấp thêm những thông tin đáng quan ngại về sức khỏe DN hiện nay và mong QH sớm có quyết sách.

{keywords}

Chẳng hạn, theo ĐBQH tỉnh Nghệ An Phan Văn Quý, thời gian qua Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều động thái tích cực nhưng rõ ràng những khó khăn cơ bản nhất và nội tại nhất của DN vẫn chưa được giải quyết.

Ông Thân Đức Nam, TGĐ Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 phàn nàn, nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn. Nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tình trạng ngân hàng đang thừa tiền mà doanh nghiệp lại không dám vay, DN tiếp cận vốn nhưng không biết vay để kinh doanh mặt hàng gì cho có lãi. Theo ông, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả nên thanh khoản của thị trường này khó cải thiện, dẫn đến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, ưu tiên lớn nhất thời gian tới là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, góp phần tạo ra hàng hóa, tăng sức mua, giúp DN trụ lại với thị trường.

ĐB Cao Sĩ Kiêm nhận định, bây giờ không phải lúc nói chung chung mà cần chỉ rõ lộ trình, với địa chỉ và đầu việc cụ thể. Chẳng hạn, DN đang kêu ca không có khả năng hấp thụ vốn, có tiền cũng không ai vay vì chưa biết vay để làm gì. "DN người ta nói giống như cơm không ăn được giờ đổ cháo cũng khó nuốt. Vậy phải giúp DN để họ húp được cháo", ông Kiêm ví von. 

Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc góp ý, việc cần làm là tập trung gỡ khó cho DN bằng những biện pháp cơ bản. "Như ở Vĩnh Phúc chúng tôi, riêng nợ xây dựng cơ bản từ xã đến cấp tỉnh đã lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Để trả nợ được hết cũng phải mất một nhiệm kỳ", ông Trường cho hay.

ĐBQH Trần Du Lịch "hiến kế", mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chỉ tiêu về dư nợ tín dụng, sao cho năm nay phải đạt được ít nhất là 12% bằng những biện pháp linh hoạt về chính sách.

Về chính sách tài khóa, việc khống chế nợ công là cần thiết, tuy nhiên trong hai năm 2013 và 2014 này QH cần có quyết định khó khăn, đó là phải xem lại vấn đề tăng bội chi để nới rộng chính sách tài khóa.

"Ta phải trả nợ các dự án tồn đọng đầu tư, con số nợ này rất lớn, nếu làm được điều này thì sẽ tạo luân chuyển về vốn. Kể cả dùng biện pháp tiền tệ lẫn tài khóa. Rất khó khăn nhưng phải làm, kèm theo giám sát", ông Lịch khẳng định.

"Đề nghị trong kỳ họp này QH phải có nghị quyết rõ ràng, và nhất định phải thống nhất không thể để nền kinh tế cứ trì trệ như thế này", ông Lịch quả quyết.

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận tổ về các nội dung này.

L.Nhung - C.Quyên - C.Hoàng - Ảnh: L.A.Dũng