- Lấy ví dụ khu tái định cư thủy điện Sơn La, đầu tư 6 tỷ đồng chỉ có 6 hộ dân vào ở, ĐBQH yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cơ quan gây lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.

Trong báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, UB Tài chính - Ngân sách QH nhận định việc tăng thu vượt mục tiêu toán 3 lần cho thấy công tác lập dự toán chưa sát, ảnh hưởng tới việc chỉ đạo, điều hành ngân sách, là hạn chế QH đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chưa được khắc phục.

Đầu tư dàn trải

Thực tế, số thu ngân sách vượt dự toán của năm 2011 chủ yếu do giá cả tăng, tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, tăng thu từ dầu thô và nhà, đất. Tăng thu do sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20%.

Bội chi tuy có giảm nhưng vẫn ở mức 4,4%, song chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... vẫn không đạt.

Tổng số dư nợ công đến 31/12/2011 bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với năm 2010 song vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thấy đầu tư dàn trải vẫn là điểm tồn tại kéo dài trong điều hành ngân sách lâu nay. "Vẫn thấy những nhận xét về phân bố vốn không đảm bảo kế hoạch, không đúng nguồn, không đúng đối tượng, trả nợ xây dựng cơ bản không nghiêm...", ông nói.

{keywords}
ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị các phiên thảo luận về ngân sách tại QH được truyền hình trực tiếp để người dân biết việc sử dụng tiền thuế của họ

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), những cái "không" này đều là miếng đất cho lách luật, nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Ông cho rằng công tác quyết toán ngân sách cần và có thể đóng góp nhiều hơn vào việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

"Thu vượt mục tiêu nhưng thất thu vẫn lớn, tuy có nguyên nhân là kinh tế khó khăn song còn nhiều nguyên nhân khác có thể khắc phục được như nhiều đơn vị hạch toán sai, báo cáo sai. Hay việc trong chi có hiện tượng chỉ định thầu chiếm tỉ lệ cao, cũng có thể bị lạm dụng, làm không đúng quy định. Chất lượng một số công trình chưa đảm bảo, công tác quyết toán kéo dài, có sai sót...", ông Hùng chỉ ra.

Đầu tư 6 tỷ đồng, 6 hộ dân vào ở

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) thì yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan sử dụng tiền của nhà nước, tức là công sức của nhân dân, chưa hiệu quả, thiếu công minh, gây lãng phí, thất thoát, đầu tư dàn trải.

"Ví dụ khu tái định cư thủy điện Sơn La, đầu tư 6 tỷ đồng mà chỉ có 6 hộ dân vào ở, do công tác khảo sát yếu kém, đó là lãng phí lớn mà QH cần xem xét", bà Dung nói. "Hay như năm 2011 có nghị quyết 11 quy định chặt chẽ về mua sắm công nhưng nhiều đơn vị vẫn vi phạm".

ĐB TP.HCM đề nghị Chính phủ đưa ra những địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể sử dụng không đúng nguồn lực quốc gia.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh "nếu công tác quyết toán, từ các đơn vị sử dụng ngân sách, đến chính quyền địa phương, đến Chính phủ rồi đến QH đều làm nghiêm túc, phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước, sẽ khắc phục được các hạn chế, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn".

Ông Hùng đề nghị các phiên thảo luận về ngân sách tại QH cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân biết và giám sát việc sử dụng tiền thuế của họ.

Nhiều ĐB cũng tỏ ý không yên tâm khi tỉ lệ vay nợ quỹ Bảo hiểm Xã hội của Chính phủ ngày càng tăng, hơn 34% năm 2011 và trên 55% năm 2012. Các ĐB đặt câu hỏi: Trong khi luật quy định nhà nước phải bảo toàn tăng trưởng quỹ thì việc vay này có đúng luật?

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép

Đứng lên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận các hạn chế nêu trong báo cáo của cơ quan thẩm tra. Ông cam kết tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.

Trước lo ngại về quỹ BHXH, Phó Thủ tướng nói cho Chính phủ vay cũng là một hình thức đầu tư với lãi suất theo thị trường, thậm chí hình thức đầu tư an toàn nhất.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, mà theo các quy định mới nhất là 65% GDP.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng