- Thị trường bây giờ mà bán, tôi xin nói là rẻ như bèo ấy. Nhưng khi thị trường ấm lên thì lại khác - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với báo giới về công ty mua bán nợ quốc gia bên hành lang QH sáng 25/5.

'An toàn'

Thưa ông, sự ra đời của công ty mua bán nợ quốc gia VAMC được mọi người chào đón nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng như vậy mới chỉ là tạm treo nợ lại thôi chứ không phải giải quyết nợ?

- Không phải như vậy. Đề án hoạt động của công ty có nhiều nội dung chứ không chỉ có mỗi việc mua bán nợ. Nhưng các hoạt động này gắn với bất động sản nên có việc đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng khi cho vay mà được thế chấp bằng tài sản.

Thị trường bây giờ mà bán, tôi xin nói là rẻ như bèo ấy. Nhưng khi thị trường ấm lên thì lại khác. Kết hợp rất nhiều yếu tố chứ không phải dễ.

Nhưng nếu VAMC mua lại nhiều bất động sản như thế, liệu có xử lý được không?

- Vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải quản lý. Còn trên danh nghĩa, VAMC nắm giữ thôi chứ không phải xử lý cụ thể. Xử lý cụ thể vẫn phải qua những công ty thẩm định giá, đấu giá.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đúng là nền kinh tế đang hết sức khó khăn... Ảnh: Lê Anh Dũng


Có chuyên gia đề nghị khá mạnh là nới phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% hoặc hơn 50% rồi sau đó giảm dần xuống như một số nước đã làm?

- Cái đó hiện nay đang tính toán, chưa thể nói ngay được, vì phải xét đầy đủ tất cả các yếu tố.

Liệu chúng ta có thể không dùng đến nguồn vốn ngân sách mà phát hành trái phiếu đặc biệt?

- Trái phiếu ấy được đảm bảo bằng món nợ vay BĐS cho nên an toàn, không có vấn đề gì cả, giúp ngân hàng thanh khoản được và những DN có nợ thực ra là một hình thức tạo điều kiện cho DN được vay khoản mới, giám sát trên các dự án, cái nào có hiệu quả thì cho vay, vì gắn với nợ xấu, nợ cũ thì không đúng tiêu chí thì không được vay.

Nhưng như ông nói, giao dịch BĐS hiện giờ rất rẻ, dùng tài sản ấy đảm bảo cho trái phiếu thì có rủi ro không?

- Hấu hết các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp đều chỉ cho vay thấp hơn giá trị. Cho vay dưới giá trị thực là một mức an toàn rồi. Mà cũng không cho vay toàn bộ giá trị BĐS nên không ngại vấn đề mất ổn định hay an toàn

Huy động thêm nguồn lực

Trong mấy ngày thảo luận vừa qua, các ĐBQH hết sức quan ngại về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế bởi cho rằng tình hình hết sức gay go, thậm chí rơi vào mức thiểu phát. Ông có suy nghĩ gì?

- Đánh giá thiểu phát thì phải có tiêu chí vì CPI giảm thì phải xem nguyên nhân chủ yếu từ đâu. Ở đây, CPI giảm phần lớn do giá lương thực thực phẩm giảm. Giá lương thực thực phẩm giảm thì ảnh hưởng đến người dân, Chính phủ không muốn việc đó và cũng đã có chính sách để hỗ trợ nhưng cái quan trọng là xu hướng của nền kinh tế.

Hiện nay các chỉ số sản xuất công nghiệp đã khá lên. Lượng tồn kho dù vẫn còn cao nhưng rõ ràng đã giảm. Tăng trưởng tín dụng tuy chậm nhưng so với năm ngoái tốc độ đã khá hơn.

Đánh giá trên những tiêu chí như thế thì chúng ta chưa phải quá lo lắng. Tuy nhiên đúng là nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, DN cũng rất khó khăn. Điều đó không ai phủ nhận. Chính vì thế Chính phủ cũng đang suy nghĩ, đang tính toán và trong phiên họp Chính phủ tới đây chắc cũng sẽ có bàn, sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo nghị quyết 02.

Cũng có ý kiến nói mình triển khai nhiều việc còn chậm, cần phải làm nhanh hơn. Hai nữa, cũng phải xem xét huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, mình chưa dùng biện pháp đó nhưng cũng phải tạo điều kiện để nâng tổng cầu của nền kinh tế. Điều này cần thiết được xem xét một cách nghiêm túc.

Dù không dùng từ nới lỏng nhưng trong chính sách tài khóa, trần nợ công và bội chi vẫn kiên định ở mức đó?

- Thứ nhất, chính sách về tăng trưởng tín dụng, ta không nói là quá chặt chẽ mà phải xem xét điều hành linh hoạt.

Thứ hai, nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn nên cũng vẫn phải xem xét là có thể phải huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Ngọc Lê ghi