- Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son chia sẻ với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 17/6 xung quanh việc một số trang mạng xã hội đưa thông tin phạm nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực.
Ông Nguyễn Bắc Son cho hay, Internet là sự tiến bộ, kho kiến thức của loài người nhưng có người lợi dụng để tuyên truyền những hành động, hành vi xấu ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, thậm chí lợi dụng để tuyên truyền chống phá.
"Người sử dụng Internet phải có ý thức tự bảo vệ mình, ý thức để làm sao phân biệt rõ đúng sai. Những cái tốt của internet thì phát triển nhưng cũng biết những cái sai để mà tránh, để chống lại những hành vi tiêu cực" - ông cho hay.
Dư luận cho rằng, phóng sự của VTV về Cù Huy Hà Vũ rất thuyết phục, nhưng nếu chỉ qua kênh của đài truyền hình quốc gia, theo Bộ trưởng liệu có một hướng suy nghĩ, suy luận khác không?
Truyền hình quốc gia là chính thống rồi. Các báo khác có quyền nói lại chuyện này nhưng phải phân tích lại từ sự kiện này để người dân thấy rằng thực sự không phải như vậy mà các thế lực thù địch dựng lên. “Một sự bất tín vạn sự bất tin” và như vậy là anh (các trang mạng xã hội - PV) đã đưa thông tin sai, rõ ràng các báo chí khác cũng có quyền bình luận thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng 17/6. Ảnh: Minh Thăng |
Các báo có thể có đề xuất được tiếp cận nguồn tin và khai thác như VTV, để phân tích cho người dân hiểu rõ hơn về sự thật trên?
Báo chí có quyền. Trong luật báo chí quy định các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho báo chí hoạt động. Thông tin đó được truyền hình đưa một cách rất cụ thể, từ thông tin rất chính thống như thế mình có thể bình luận để làm cho người dân người ta hiểu thêm nữa.
Các phương tiện thông tin truyền thông kể cả báo hình, báo tiếng, báo giấy, báo điện tử mình đưa thông tin này ra mình bình luận.
Đặc biệt mình phân tích cho người dân thấy rõ hoàn toàn sự thật là như thế nhưng họ lại dựng lên một câu chuyện ngược lại hoàn toàn, họ đưa là tuyệt thực mấy tuần, mấy tuần nọ kia các thứ rồi sức khỏe đang yếu...
Rõ ràng qua đó người dân có quyền nghi ngờ tất cả những gì trước kia một số báo thường xuyên chống phá.
Đối với những người dựng lên những thông tin như vậy, tới đây Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ ứng xử như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Chắc chắn, Bộ đang cho các cơ quan xem xét rồi để tìm ra nguồn gốc từ đâu, xuất xứ từ đâu. Nếu nguồn gốc là vô tình anh lấy những thông tin trên mạng xuống cũng không được bởi báo chí đã đưa lên mạng của mình, đưa tin của mình là phải kiểm chứng theo đúng quy định.
Còn đối với những mạng xã hội khó quản lý hơn báo chí, thưa Bộ trưởng?
Mạng xã hội (.vn ) nếu là của Việt Nam chắc chắn các cơ quan sẽ tìm ra được. Còn đối mạng xã hội ở nước ngoài hiện nay là điều rất khó và thách thức với không chỉ với riêng Việt Nam bởi chế tài, luật pháp trong nước mình chưa có.
A.Thư (ghi)