- Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chiều nay (21/6) cho biết có ĐB nhận định một số bộ trưởng trả lời chất vấn chưa giải đáp hết các vấn đề ĐB nêu, còn biểu hiện né tránh hoặc trả lời chung chung.
"Vì vậy, đề nghị không khẳng định là các bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp được các vấn đề mà ĐB đã nêu ra", ông Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Minh Thăng |
Tiếp thu ý kiến này, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn mà QH thông qua chiều nay với tỉ lệ 94,78% tán thành chỉ nhận định:
"QH nhận thấy phiên chất vấn đươc tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các ĐB đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành với trách nhiệm của mình cơ bản giải đáp được các vấn đề mà ĐB đã nêu và đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giải quyết".
Yêu cầu cụ thể với du lịch, kiểm sát
Nghị quyết không đưa ra một yêu cầu cụ thể nào về nội dung nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành và thời điểm báo cáo đối với hai Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Lao động - Thương binh - Xã hội.
Với hai vị này, nghị quyết chỉ xác định các mục đích, yêu cầu để trên cơ sở đó Chính phủ ban hành, sửa đổi các chính sách và có kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH, đó là "những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian, sự phối hợp của nhiều bộ, ngành hữu quan".
Đối với Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch, có một yêu cầu cụ thể là: "Phấn đấu đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế; sau 2020, có vị trí xứng đáng trong khu vực".
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được nhiều yêu cầu cụ thể hơn cả.
Viện trưởng sẽ báo cáo QH tại kỳ họp tới việc thực hiện các giải pháp được xác định tại nghị quyết 37 của QH về công tác tư pháp, góp phần bảo đảm hoạt động tư pháp thực sự tuân thủ pháp luật, xây dựng nền tư pháp Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ nhân dân.
Ngành kiểm sát cũng được yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời khắc phục những tiêu cực, tồn tại trong ngành kiểm sát.
Cũng như phấn đấu đến năm 2015, cán bộ ngành kiểm sát đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có năng lực, trình độ và phẩm chất vững vàng.
Nghị quyết này cũng giao Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các ngành, các cấp tập trung giải quyết, trả lời 1724 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến QH tại kỳ họp này và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết, trả lời.
Chung Hoàng