- Nhiều ĐB HĐND TP Hà Nội cho rằng lực hút từ chính sách thu hút nhân tài chưa đủ mạnh. Thực tế, có thủ khoa ngồi pha trà nước và nhiều người đã ra đi.

"Thảm đỏ" chưa đủ

Chiều 2/7, HĐND TP Hà Nội thảo luận và ban hành quyết định về ban hành chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết sau 11 năm Hà Nội triển khai chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ tài năng trẻ, kết quả còn nhiều hạn chế.

Theo đó, bình quân số tuyển dụng được chỉ đạt xấp xỉ 10% so với số lượng thủ khoa xuất sắc được tuyên dương. Số người có trình độ cao được thu hút về làm việc cho thành phố rất ít, chủ yếu tập trung ở khối văn hóa thể thao.

{keywords}
Đại biểu HĐND TP Hà Nội trăn trở với biện pháp 'níu chân' thủ khoa. Ảnh: Phạm Hải


Các ngành khác đang cần người có trình độ cao như khoa học công nghệ, quy hoạch, kiến trúc, giao thông đô thị, di sản văn hóa, công nghệ thông tin… hầu như không thể thu hút được.

“Một số thủ khoa được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan hành chính của thành phố chưa phát huy được hết năng lực, sở trường”, ông Sáng nói.

Nguyên nhân được người đứng đầu Sở Nội vụ giải thích là do Hà Nội có nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài có thu nhập cao, có sức hút lớn với các thủ khoa. Trong khi đó, Hà Nội chưa có chính sách đãi ngộ đặc biệt với những trường hợp này mà vẫn theo các quy định chung được áp dụng trong cả nước.

Ngoài ra, tâm lý cào bằng, điều kiện và môi trường làm việc chưa thuận lợi khiến nhiều thủ khoa sau một thời gian công tác lại xin chuyển hoặc tự nguyện ra đi.

Câu hỏi của ĐB Trần Thị Vân Hoa (huyện Phú Xuyên): “Hà Nội đã có biện pháp gì để níu chân thủ khoa?” được ông Sáng trả lời: “Một trong những nguyên nhân là cơ chế chính sách đãi ngộ 11 năm vừa qua của Hà Nội không thể vượt quá các cơ chế chính sách của Trung ương. Hi vọng khi luật Thủ đô được triển khai thì Hà Nội sẽ có chính sách cơ chế đặc thù để thu hút lực lượng này”.

Hỗ trợ mua nhà?

ĐB Hoàng Mạnh Phú (huyện Phúc Thọ) cho rằng chính sách là đúng đắn, cần thiết nhưng nên tập trung cho khâu tuyển dụng, tạo điều kiện, môi trường làm việc và đãi ngộ xứng đáng.

“Sau khi tuyển dụng phải bố trí công việc phù hợp. Có một số trường hợp làm không đúng ngành của mình, thậm chí thời gian đầu còn pha trà, rót nước khiến họ chán và xin chuyển”, ông Phú cho hay.

Vị ĐB này cũng dẫn chứng một trường hợp ở huyện Phúc Thọ là tốt nghiệp xuất sắc từ Học viện Hành chính, quê ở Hải Dương nhưng tình nguyện xin về công tác ở huyện để có trải nghiệm. Huyện đã bố trí đối tượng này làm việc ở vị trí cán bộ tổng hợp văn phòng Ủy ban, được bố trí chỗ ăn, ở và đưa vào diện cán bộ nguồn để có hướng đào tạo, có thể bổ nhiệm các vị trí khác nếu có nhu cầu.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng mức hỗ trợ 5 tháng lương tối thiểu/tháng (tương đương trên 5 triệu đồng) cho đối tượng đi học ở nước ngoài là hơi ít, cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

ĐB Nguyễn Tùng Lâm (quận Đống Đa) thì cho rằng Hà Nội cần triển khai chính sách này một cách khoa học và thành nề nếp để sử dụng người tài chứ không phải tuyển rồi bỏ đó.

“Nhiều khi ta chỉ chú ý đãi ngộ, khen thưởng lần đầu, sau đó không chú ý xem họ có phát huy được không. Như vậy là không đến nơi đến chốn, rất lãng phí”, ông Lâm nói. Ông còn đề xuất Hà Nội nên lập hồi đồng hoặc ủy ban chuyên trách về vấn đề này bởi nếu đưa vào bộ phận thi đua khen thưởng thì không thỏa đáng mà nên giao Sở Nội vụ quản lý hồ sơ, theo dõi, có hội đồng thẩm định, xét tuyển.

ĐB Hoàng Trọng Quyết (quận Ba Đình) lưu ý Hà Nội nên có chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, thạc sỹ đang du học ở nước ngoài.

Ngoài ra, ông Quyết nhận định Hà Nội đã đưa ra nhiều chế độ khá tốt nhưng chưa đủ mạnh để tạo lực hút. “Chúng ta nên có chế độ cho mua nhà, cho thuê nhà xã hội theo chính sách của thành phố gắn với thời gian làm việc để thu hút họ hơn”, ông Quyết nói.

Theo Nghị quyết được HĐND TP thông qua chiều 2/7, nhân tài mà Hà Nội muốn thu hút là các thủ khoa ĐH xuất sắc các ngành Hà Nội đang cần, các tiến sĩ có công trình, đề án đáp ứng nhu cầu của Thủ đô, bác sĩ nội trú, giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đạt giải cao trong nước và quốc tế...

Các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng sẽ được trọng dụng.

Họ sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; hưởng lương gấp 20 lần mức tối thiểu; được ưu tiên cử đi đào tạo sau ĐH trong nước hoặc nước ngoài...

Nhận được những ưu tiên này, họ sẽ phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội ít nhất 7 năm.

Cẩm Quyên