Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ trình QH cho thấy tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp. Tham nhũng có mặt khắp nơi với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau thách đố kỷ cương phép nước.

Báo VietNamNet phỏng vấn ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về quốc nạn này.

- Thưa ông Lê Như Tiến, tại kỳ họp QH vừa qua, ông đã phát biểu: Sự phát triển đất nước có vật cản lớn là tham nhũng và lãng phí. Tham nhũng biến tài sản công thành tư, đất công thành tư, nhà công vụ thành nhà tư... Theo ông, tham nhũng đang nghiêm trọng đến mức nào?

- Nghị quyết của Trung ương cũng như các nghị quyết Quốc hội, báo cáo đánh giá của Chính phủ đều cho thấy mức độ nghiêm trọng. Tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng tới mức mà chúng ta đã gọi nó là quốc nạn. Quốc nạn thì lớn lắm rồi, không phải đơn chiếc, không phải lẻ tẻ, không phải cá nhân mà nó dường như là phổ biến, có mặt hầu khắp các lĩnh vực, rất tinh vi, tinh xảo.

Nhiều lĩnh vực mà tham nhũng khuynh đảo là đất đai, tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, hợp tác quốc tế, cả trong lĩnh vực con người như đề bạt bổ nhiệm, cất nhắc, thậm chí là tuyển chọn... tức là tham nhũng có mặt hầu hết các lĩnh vực.

{keywords}
Đại biểu Lê Như Tiến: Tham nhũng là quốc nạn thì lớn lắm rồi.

Chúng ta có nhiều biện pháp, kể cả luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Trung ương có nghị quyết, Bộ Chính trị có chỉ thị, Quốc hội có rất nhiều nghị quyết, Chính phủ có báo cáo nhưng chưa ngăn chặn và đẩy lùi được.

Quyết tâm chính trị thì có rồi nhưng có người nói người trong bộ máy chống tham nhũng cũng có những dấu hiệu tham nhũng liệu có chuyển được không.

- Ông từng phát biểu trước QH: Theo báo cáo của Tổng thanh tra Nhà nước, thời gian qua các cấp, các ngành thanh tra trên 62.000 vụ song chỉ phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ. Phải chăng có sự hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng hoặc có sự nắn dòng bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra?

- Đó chính là chất vấn của tôi đối với Tổng thanh tra Nhà nước Huỳnh Phong Tranh. Tại sao số lượng thanh tra nhiều đến mức như thế, trên 62.000 vụ mà chỉ đưa ra ánh sáng hoặc chuyển cơ quan điều tra có 464 vụ, chỉ chiếm 0,6%. Rõ ràng là có xu hướng hành chính hóa các vụ án tham nhũng.

Hành chính hóa các vụ án tham nhũng có thể là phê bình, cảnh cáo rồi khiển trách, chuyển công tác, mà có khi chuyển công tác lên cấp cao hơn, hoặc là thu một số tiền có tính chất tượng trưng, không đáng bao nhiêu so với thất thoát do tham nhũng. Rõ ràng chưa có chế tài mang tính răn đe, tất nhiên có một số vụ tiêu biểu, một số người bị đưa ra xét xử rồi ngồi tù…

Nhưng rõ ràng xử sự như thế chưa tương xứng với các vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra, vì chỉ chiếm có 0,6 % thì tôi thấy rất nguy hại, không chặn đứng, đẩy lùi được mà đôi khi còn triệt tiêu động lực phòng chống tham nhũng, làm cho những người có quyết tâm phòng chống tham nhũng nản lòng.

Tôi thấy phải quyết liệt hơn, từ cấp cao nhất cho đến người thừa hành là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

- Trả lời chất vấn trước QH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận thấy một số hạn chế là chưa đạt yêu cầu ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tham nhũng vẫn xảy ra tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Ông đánh giá sao về nỗ lực của các cơ quan phòng chống tham nhũng?

- Ngay trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì cũng rõ rồi. Tôi hỏi với trách nhiệm cá nhân thì Phó Thủ tướng đã đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ tham nhũng, xử lí được bao nhiêu vụ việc về khiếu nại tố cáo của nhân dân đang tồn đọng kéo dài vượt cấp từ nhiều năm nay mà cử tri cho rằng tồn kho giải pháp, nợ đọng trách nhiệm, sút giảm lòng tin?

Phó Thủ tướng đã rất thẳng thắn thừa nhận có những giải pháp chưa đồng bộ trong phòng chống tham nhũng, chưa quyết liệt nên tham nhũng vẫn còn tồn tại khá tinh vi, khá phức tạp trên nhiều phương diện khác nhau.

{keywords}
Ông Lê Như Tiến trả lời phỏng vấn VietNamNet.

Tôi cho là như đánh giá của cử tri cả nước, của dư luận xã hội cũng như thừa nhận của Chính phủ cho thấy phải có nhiều những giải pháp mạnh hơn nữa và sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan  bảo vệ pháp luật. Như tôi có lần phát biểu là phải có những Bao Công dám cởi bỏ mũ ô sa, dám dùng tính mạng và chức quyền của mình để tuyên chiến với tham nhũng, chúng ta mới thành công.

- Phát biểu trước Quốc hội ông nói rằng chống tham nhũng cần có bộ máy chuyên nghiệp. Vậy theo ông, cơ chế quan trọng hơn hay con người quan trọng hơn và chúng ta đang thiếu cái gì?

- Chúng ta đang thiếu cả hai, đang thiếu một cơ chế pháp luật cho người phòng chống tham nhũng một đặc quyền giống như là giao cho thượng phương bảo kiếm, nếu thấy đúng là tham nhũng thì anh có quyền xử lí rồi báo cáo sau. Cơ chế của chúng ta chưa cho phép, chúng ta làm việc tập thể rồi phải báo cáo cấp nọ cấp kia rồi người có quyền trong phòng chống tham nhũng đôi khi bị hạn chế, cản trở bởi những quy định, công tác cán bộ và công tác của Đảng của nhà nước. 

Còn Bao Công tại sao rất nghiêm minh, làm vụ nào ra vụ đó là do ông có quyền lực thực tế, tối thượng. Vua trao cho thượng phương bảo kiếm cũng giống như nhà nước trao cho người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng được những quyền như là "tiền trảm hậu tấu", được quyền như tự mình kí ngay lệnh cách chức, miễn nhiệm rồi sau đó mới báo cáo cấp trên, nếu có quy định như trên thì công tác phòng chống tham nhũng có đổi mới, có những biến chuyển thực sự.

Và bên cạnh cơ chế pháp luật là con người. Con người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng phải là con người sạch.

- Tại kỳ họp Thường vụ QH vừa rồi, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói, với đầy đủ hệ thống đoàn đảng cơ quan kiểm tra, nhưng các vụ lãng phí lớn đều do người dân hoặc báo chí tố hoặc do đấu đá nội bộ mà vỡ lở, ông đánh giá sao về vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, lãng phí?

- Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Hầu hết các vụ tham nhũng, lãng phí là do các phương tiện thông tin đại chúng, do nhân dân phát hiện ra chứ không phải do các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN đều có vai trò của báo chí.

- Tuy nhiên, ông cũng mới phát biểu là tham nhũng không đi theo con đường chính ngạch mà đi đường tiểu ngạch, len lỏi qua các quý cô, quý bà, quý cậu bằng hình thức nhào nặn số liệu thu chi tài chính hoặc bằng nhiều mĩ từ: quà tặng, quà biếu, du lịch, căn hộ… Báo chí không đủ chức năng và thẩm quyền điều tra sâu những vụ như vậy, thậm chí nếu có điều tra sâu đưa lên mặt báo thì bị coi là vi phạm pháp luật, lạm quyền. Ngay cơ quan có chức năng làm việc này là thanh tra thì cũng chỉ mới chuyển sang cơ quan điều tra 0,6% trong tổng số 62 nghìn vụ. Liệu có kì vọng quá nhiều vào báo chí không khi cho rằng báo chí có khả năng chống tham nhũng?

- Tôi phát biểu ý đó vào kì họp thứ 3. Đúng là tham nhũng ngày càng tinh vi, nhào nặn số liệu thu chi ngân sách, cũng là rào cản đối với kiểm toán, dùng những mĩ từ tốt đẹp như là quà biếu, quà mừng sinh nhật, quà mừng nhà mới với rất nhiều quan chức có chức có quyền, và có những vị trí mà có thể ban phát quyền lực cho người khác. Có những cá nhân hoặc đơn vị tặng cả căn hộ, ôtô, bằng chứng là có đồng chí lên một chức nào đó thì được đơn vị cũ tặng một chiếc ôtô.

Rõ ràng là báo chí có phát hiện nhưng báo chí không phải cơ quan điều tra nên việc báo chí đã phát hiện ra rồi cơ quan điều tra phải vào cuộc. Cơ quan điều tra vào cuộc đã có kết quả rồi thì chuyển sang cơ quan truy tố rồi đến xét xử, thi hành án. Đó là quy trình khép kín của tố tụng hình sự.

Nếu chúng ta bỏ qua một khâu nào đó thì không được, trước hết phải có thanh tra và điều tra. Tôi đã chất vấn Tổng Thanh tra Nhà nước là có ai  tạo áp lực cho các đồng chí không, có ai nắn dòng bẻ ghi các đồng chí không thì đồng chí trả lời rất khó khăn, áp lực không nhiều nhưng trình độ thanh tra còn non kém.

Tôi cho là trình độ thanh tra non kém chỉ là một yếu tố, còn những yếu tố cơ quan đơn vị tổ chức nắn dòng bẻ ghi làm chuyển hướng thanh tra gây áp lực trực tiếp lên công tác thanh tra kể cả điều tra.

Người ta nói rằng báo chí vẫn có vai trò rất lớn vì là cơ quan thông tin đại chúng phát hiện ra phản ánh một cách trung thực còn việc tiếp theo là của các cơ quan chức năng chứ không phải của báo chí.

Bản thân tôi cũng nói trên báo Tiền Phong, tôi không tán thành việc kiến nghị sửa điều 7 luật Báo chí, nếu mà báo chí cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra thì báo chí làm sao lấy được tin trung thực từ những người cung cấp tin, vô hình trung mình đã làm hại người khác, cho nên báo chí phải bí mật nguồn tin của mình.

Trong luật Báo chí điều 7 có nêu khi cần thiết báo chí có thể cung cấp thông tin đối với viện trưởng viện kiểm sát, chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với những vụ án nghiêm trọng.

Như vậy báo chí chỉ cung cấp nguồn tin khi cần thiết, đối với những vụ án nghiêm trọng và đối tượng cấp là chánh án, tòa án cấp tỉnh, thành phố trở lên chứ không phải bất kể cấp nào.

- Thưa ông, những ngày qua ông có theo dõi vụ việc xung quanh công ty Vĩnh Hưng, ngân hàng Bảo Việt, Công ty Xây dựng và Phát triển chăn nuôi, Công ty 135, sự lòng vòng quanh dòng tiền cho vay có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng? Ý kiến của ông thế nào?

- Tôi cũng đã xem trên báo chí, mạng, trên VietNamNet về vụ việc này. Tôi thấy có lẽ đến lúc này cơ quan thanh tra rồi cơ quan điều tra nên vào cuộc.

Thanh tra có thanh tra Chính phủ và thanh tra của ngành ngân hàng, cơ quan điều tra công an… phải vào cuộc vì qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo giấy, báo điện tử, chúng tôi thấy rằng là có dấu hiệu tham nhũng và tiêu cực ở đây vì dòng tiền không nhỏ, hàng trăm tỷ, nếu chạy lòng vòng thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp - ngân hàng ra sao.

Ngân hàng lại có những việc làm thay cho doanh nghiệp, rồi chuyển tiền đến những doanh nghiệp mà không biết họ có khả năng thanh toán cho mình không, hay là lại tạo nên những nợ xấu, những cục máu đọng, máu đông.

Tôi cho là các cơ quan bảo vệ pháp luật nên vào cuộc, không chỉ là các cơ quan, các phương tiện thông tin đại chúng mà tôi còn biết là VietNamNet đã có công văn gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng ban Nội chính TƯ, Trưởng ban Kinh tế TƯ… để đề nghị làm rõ dấu hiệu về tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là ngân hàng Bảo Việt, trong đó một vị phó chủ tịch HĐQT lại khai man lí lịch, đã khai trừ Đảng rồi, trước đây có án 3 năm tù nhưng lại không khai trong lí lịch mà còn thăng tiến trong vị trí rất cao - Phó Chủ tịch ngân hàng Bảo Việt, ông Lê Trung Hưng.

Tôi cũng có được thông tin là gần đây nhất, những ngày đầu tháng 7, Chủ nhiệm Văn phòng QH có văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch QH về việc Bộ Công an phải chỉ đạo xác minh điều tra làm rõ vụ việc trên và báo cáo kết quả với Chủ tịch QH và  Ủy ban Thường vụ QH.

Tôi được biết Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến chính thức đối với Bộ trưởng bộ Công an. Tôi tin chắc thời gian tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an sẽ chỉ đạo làm rõ vụ việc này. 

Phạm Tuấn (thực hiện)