- 5 tháng vùi đầu vào mạng ebay, kỹ sư Việt kiều bất ngờ về kho bản đồ cổ của phương Tây và Trung Quốc, cho thấy cực nam của quốc gia này chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam…


5 tháng nửa cuối năm 2012, Trần Thắng vùi đầu vào máy tính trong phòng làm việc ở Mỹ. Không phải tìm kiếm, nghiên cứu thông tin cho công việc liên quan sản xuất động cơ máy bay mà anh đang làm cho hãng Pratt&Whitney của Mỹ. Mà để… mua bản đồ.

{keywords}

Một cuốn atlas do Trung Quốc xuất bản, trong đó chỉ rõ cực nam của nước này là đảo Hải Nam

Trong chừng đó thời gian, kỹ sư cơ khí Việt kiều Mỹ này “vét” được 150 bản đồ xịn nhất từ những nhà sưu tập bản đồ cổ khắp nơi trên thế giới bán trên mạng ebay. Anh tự hào về thành quả: 150 bản đồ kéo dài khoảng 400 năm từ 1618 đến 2008, gồm trên 100 nhà xuất bản từ 7 quốc gia: Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và Nga. Trong 100 bản đồ cổ về lãnh thổ Trung Quốc chào bán, anh mua được 80 chiếc.

Bản đồ vẽ Hoàng Sa của Việt Nam có 70 cái, anh mua được 50 và sở hữu 3 cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933.

Ý tưởng tìm mua bản đồ cổ của phương Tây và cả Trung Quốc về lãnh thổ Trung Quốc như những bằng chứng xác thực chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc chủ quyền của nước này đến bất ngờ với kỹ sư Việt kiều này.

{keywords}
Trần Thắng - nhà sưu tầm bản đồ cổ về chủ quyền Việt Nam
Cuối tháng 7/2012, khi đọc tin trên mạng TS Mai Hồng tặng bản đồ cổ của Trung Quốc mà ông sưu tầm được cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, anh đã thử vào ebay và bất ngờ thấy kho bản đồ cổ về lãnh thổ Trung Quốc rất phong phú.

Bất ngờ nữa, những bản đồ này đều vẽ cương giới cực nam của quốc gia này chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như nước này luôn tự nhận chủ quyền đầy phi lý. Trong số đó có những bản đồ hiếm như hai cuốn atlas 1919 và 1933 mà Trần Thắng đồ rằng “chưa chắc có ở Trung Quốc”.

Có một chuyện vui là người bán cuốn atlas 1919 ở Ba Lan cho anh đã sưu tầm và sở hữu nó 10 năm. Anh là người đầu tiên hỏi mua cuốn này. Họ hét giá 10.000 USD do giá trị cổ.

“Thấy mắc quá nhưng nếu mình không mua thì có thể họ lại bán cho ai đó ở Trung Quốc. Vậy là tôi nhờ người ta để dành để kiếm đủ tiền thì mua đứt. Hay như cuốn atlas 1933 rao bán ở Đài Loan, vừa đến New York hai tuần tôi tình cờ biết được và tới mua ngay” - Trần Thắng kể.

Giá trị nhất trong 150 bản đồ lẻ là bản đồ về Năng lượng khí đốt và tài nguyên của lãnh thổ Trung Quốc, do Cục Môi trường và Bộ Nội vụ Mỹ phát hành năm 1975.

{keywords}

Bản đồ giá trị nhất trong bộ sưu tập 150 bản đồ do Việt kiều Trần Thắng tặng


Thời điểm đó, Mỹ đến Trung Quốc nghiên cứu thời kỳ phát triển công nghiệp, bản đồ này ghi tất cả các nguồn khoáng sản, nguồn năng lượng đặt trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo anh, bản đồ này có giá trị về mặt khoa học, pháp lý và lịch sử.

Tổng số tiền anh bỏ ra mua bản đồ 13.000 USD, trong đó 3.000 USD là của huyện Hoàng Sa quyên, 5.000 USD của bạn bè quyên và phần còn lại tiết kiệm từ thu nhập cá nhân. Hòm hòm kho bản đồ, anh liên lạc với giới nghiên cứu ở Việt Nam để tặng toàn bộ.

Toàn bộ 150 bản đồ, 3 cuốn atlas này sau khi được các nhà nghiên cứu thẩm định giá trị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông gom như một phần tư liệu cho cuộc trưng bày tài liệu, thư tịch cổ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa lớn nhất từ trước đến nay, đang trưng bày tại triển lãm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội.

Tư liệu phong phú

Tại cuộc triển lãm, các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau dễ dàng có thể kiểm chứng, làm tăng thêm giá trị, độ chuẩn xác.
{keywords}


Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, bộ tư liệu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng. Trong đó, mảng tư liệu bản đồ và thư tịch cổ của phương Tây, tuy sưu tập chưa hết, cũng đã có đến vài trăm bản.

Ông Ngọc kể trong một chuyến công tác tại Pháp, ông từng chụp được hơn 100 bản đồ có liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo để nghiên cứu, do thiếu kinh phí chưa mua đứt được. Ông hy vọng trong thời gian sớm nhất Nhà nước có thể mua lại để có thể tham khảo, thẩm định và đưa ra trưng bày cho công chúng.

TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng kể, sau khi kỹ sư Việt kiều Trần Thắng liên hệ với anh để đưa bộ sưu tầm bản đồ, tư liệu về Việt Nam, các kiều bào ở Hà Lan, Đức cũng gửi bản đồ về.

Có lẽ với các nhà nghiên cứu Việt Nam, điều thiếu nhất không phải là nguồn tư liệu, thư tịch ở cả trong và ngoài nước. Vấn đề lớn là thời gian. Thời gian để sưu tầm và thẩm định vì nguồn tư liệu quá phong phú.

Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan chức năng sẽ đưa các bản sao về đầu mối và đặt trong tổng thể để đánh giá đầy đủ các giá trị, nghiên cứu và giám định.

Bộ cũng sẽ sớm hoàn thành “mềm hóa” bộ tư liệu, thư tịch, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này dưới dạng CD để làm tài liệu bỏ túi cho bất cứ người dân, cơ quan, tổ chức ban ngành nào có thể sử dụng.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords} 

Linh Thư - Hồng Nhì - Ảnh: Lê Anh Dũng