Hai bức ảnh lớn chụp đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đích thân chụp từ trên trực thăng được ông tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự làm tư liệu trưng bày về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Đại tá, TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đón nhận trân trọng hai bức ảnh được in khổ đại, đóng khung kính từ tay Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son sáng 16/7 khi Bộ trưởng đến "thị sát" triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" do Bộ chủ trì tổ chức (đang diễn ra tại Bảo tàng).

Cùng hai bức ảnh lớn này, Bộ trưởng cũng gửi tặng Bảo tàng những bức ảnh do ông chụp các binh chủng tham gia diễu hành tại Quảng trưởng Ba Đình nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (2010).

Một bức hình đặc biệt khác được gửi tặng Bảo tàng, đó là hình chụp Đại tướng Lê Đức Anh ra đảo Trường Sa lớn năm 1988 để dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của quân chủng Hải quân Việt Nam trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng.

{keywords}
Bức ảnh do Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son chụp từ trực thăng

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là người đam mê chụp ảnh. Chụp nhiều, dù là "tay ngang" nhưng góc máy của ông không kém cạnh những người cầm máy chuyên nghiệp. Hai bức ảnh về hai đảo lớn ở Trường Sa gửi tặng Bảo tàng là một phần nhỏ trong kho ảnh của ông về Trường Sa.

Đại tá Năng tỏ ra cảm kích khi ông đại diện Bảo tàng nhận món quà từ Bộ trưởng, như ông nói là người đầu tiên cấp bộ trưởng có những tư liệu của cá nhân dành tặng cho Bảo tàng, bổ sung cho nguồn tư liệu để trưng bày về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son từng hai lần ra Trường Sa công tác (bằng trực thăng và tàu). Khi đến "thị sát" cuộc triển lãm về những bằng chứng lịch sử liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa này, ông lại một lần nữa cảm nhận biển, đảo đang ở rất gần.

Từng là người lính, đi qua những thời khắc trong quân ngũ chiến đấu vì mục tiêu độc lập, bảo vệ đất nước, ông cảm nhận sự thiêng liêng của những tập bản đồ, tư liệu "biết nói' khi những đường nét phác họa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa in rõ trên vùng biển thuộc Việt Nam.

{keywords}

TS Mai Hồng là "hướng dẫn viên" đặc biệt cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khi đi một vòng quan sát các hiện vật trưng bày tại triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử".

Ông là người từng trao tặng bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm ngoái. Bản đồ này cũng có mặt trong cuộc triển lãm của Bộ TT&TT.

Hai người đã dừng rất lâu trước những tấm bản đồ của các nước phương Tây để nhìn rõ Hoàng Sa nằm trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ông tỏ ra thích thú khi xem bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd (Pháp) vẽ và xuất bản trong cuốn Từ điển La tinh - An Nam năm 1838.

Bản đồ này có 3 thứ tiếng La tinh, Hán, Quốc ngữ. Theo bản đồ này, dọc theo khu vực duyên hải và ngoài khơi An Nam, các cảng, đảo được ghi tên rõ ràng. Khoảng giữa vĩ tuyến 16 và 17 độ Bắc, kinh tuyến 111 độ Đông, bản đồ có vẽ cụm đảo nhỏ với dòng chữ Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay Cát Vàng).

{keywords}

Trước đó, vào năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd còn có bài khảo luận khẳng định quần đảo Paracel hay Cát Vàng đã được vua Gia Long chính thức sát nhập vào lãnh thổ An Nam từ năm 1816:  "Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn sẽ không có ai sẽ tìm cách tranh giành với ông".

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu rằng trực tiếp xem những tư liệu bản đồ này, ông khâm phục, tự hào về lịch sử khai phá, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cha ông. Những tư liệu giá trị mà ông nhấn mạnh không chỉ mang lại niềm tự hào về lịch sử dân tộc mà cả tiếp thêm sự quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Bộ TT&TT quyết định kéo dài triển lãm (theo dự tính kết thúc vào ngày 16/7 để tiếp tục hành trình đến với TP.HCM) cho đến hết tháng 7 này.

{keywords}

Bộ trưởng Son hy vọng, khoảng thời gian kéo dài thêm nửa tháng sẽ là cơ hội để có thêm nhiều người dân Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng những tư liệu trưng bày quý giá. Sau khi trưng bày tại TP.HCM, Bộ sẽ bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quân sự tiếp quản, trưng bày và sử dụng lâu dài các hiện vật, tư liệu.

Gần 200 bản đồ và tư liệu đang được trưng bày tại triển lãm góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông, vốn được tổ tiên người Việt bao đời và các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia từ trước thế kỷ 17 và duy trì một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng