Tờ Philstar của Philippines hôm nay đưa tin, người Trung Quốc không chỉ chiếm đóng bãi cạn Bajo de Masinloc (tên quốc tế là Scarborough) mà còn “gặm nhấm” khu vực đất liền tỉnh Zambales, cách đó 108km về phía đông.

 
{keywords}

Ảnh: wordpress


Theo báo này, 3 công ty khai mỏ của Trung Quốc đang hút quặng nickel giống như cách người Trung Quốc khai thác cá ở bãi cạn. Họ đã thiết lập 5 mỏ khai thác quy mô nhỏ nhằm lợi dụng luật Khai thác quy mô nhỏ của Philippines đưa ra năm 1991.
 
Luật này quy định, các mỏ nhỏ hầu như dành cho nhu cầu tự cung tự cấp, người khai thác chỉ sử dụng thiết bị cầm tay, máy nghiền mini, cuốc, xẻng. Thế nhưng, 5 mỏ của công ty Trung Quốc lại dùng máy xúc hiện đại, máy khoan, máy nghiền lớn và chất nổ. Với các trang bị hạng nặng này, họ có thể khai thác hàng chục nghìn tấn quặng nickel/ngày. Trong khi đó, mỏ quy mô nhỏ giới hạn chỉ 50.000 tấn trong toàn bộ thời gian khai thác.
 
Cư dân ở khu đô thị Sta. Cruz của Zambales nói rằng, các mỏ Trung Quốc đã phá huỷ rừng trồng, làm ô nhiễm đất đai, sông ngòi, biển và không khí. Cư dân khu vực liền kề cũng chịu ảnh hưởng. Những vùng nước ven biển ô nhiễm và đục ngầu đẩy ngư dân phải đi xa hơn ra biển. Thế nhưng tại bãi cạn Bajo de Masinloc, sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc lại đẩy họ trở về đất liền.
 
Philippines hiện là nguồn cung cấp nickel lớn của Trung Quốc. Trong đó 5 mỏ ở Sta. Cruz đóng góp tỉ lệ đáng kể. Mặc dù không có con số chính xác, vì sự hoạt động của các mỏ nhỏ thuộc quyền cấp phép của chính quyền địa phương. Thế nhưng người dân địa phương quan sát rằng, thông thường có bốn tàu lớn Trung Quốc chất đầy quặng dời đi mỗi tuần.
 
Đường vòng
 
Nickel nếu dùng vào mục tiêu quân sự có thể sử dụng để chế tạo vũ khí công nghệ cao và thiết bị do thám. Niken siêu hợp kim là thành phần cực kỳ quan trọng trong động cơ phản lực hiện đại và được sử dụng trong các động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ 5.
 
Con đường Sta. Cruz-Masinloc-Infanta giờ đây được mệnh danh là “thủ phủ xe tải ô nhiễm của Philippines”. Hàng nghìn xe tải chở chất thải và quặng gây ô nhiễm không khí tới mức báo động. Cư dân nơi đây hầu hết đều bị mắc bệnh hô hấp cấp tính. Thế nhưng hoạt động khai thác mở của người Trung Quốc lại không cải thiện được thu nhập hộ gia đình địa phương.
 
Trong một bài viết đăng tải ngày 12/11 năm ngoái, tờ Asia Sentinel đã viết: “Với ước tính 1 nghìn tỉ USD nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác tại Philippines, theo Cục Mỏ Địa chất, các công ty khai thác Trung Quốc, kể cả hoạt động trái phép, đã xuất khẩu vàng, niken, và nhiều khoáng sản khác khỏi quốc đảo qua các cảng biển nhỏ, nơi ít có hải quan hay thậm chí có thể hối lộ quan chức để hành động”.
 
Theo đó, nếu bãi cạn Scarborough bị chiếm giữ, thì việc buôn lậu các kim loại quý từ Philippines đến một cơ sở ở Trung Quốc thậm chí còn thuận tiện hơn nhiều. Điều tra của Asia Sentinel cho biết: “Như hiện tại, với số lượng vàng được đăng ký rời Philippines, chỉ có 3% xuất khẩu được thông báo với hải quan. 97% khác tới Hong Kong mà không phải đóng thuế cho chính phủ ở Manila, gây thất thu nghiêm trọng. Với 97% vàng rời Philippines trái phép, bằng cách nào đó, chúng trở thành hợp pháp khi tới Hong Kong”.
 
Tháng 4/2011, cơ quan Đánh giá và Chiến lược Thái Bình Dương (PSA) - chuyên cung cấp thông tin và các báo cáo về môi trường kinh doanh cho các sứ quán và tập đoàn nước ngoài ở Manila - đã đưa ra nghiên cứu cho hay sự xâm nhập của các công ty khai mỏ Trung Quốc vào Philippines đã gây ra tác động lớn với môi trường quốc đảo.
 
“Có những bằng chứng rõ ràng về các hành vi sai trái, vô trách nhiệm và tham nhũng trong rất nhiều thỏa thuận khai mỏ của người Trung Quốc”, PSA nhấn mạnh. Các hãng này “không bồi thường xứng đáng cho những tổn thất môi trường và giá trị khoáng sản khai thác từ nhiều khu vực bị tàn phá. Nhiều công ty khai mỏ Trung Quốc nổi tiếng là kém tuân thủ các quy định môi trường, đặc biệt với các dự án khai mỏ quy mô nhỏ”.
 
Thái An (theo Philstar, Asia Sentinel)