Báo Inquirer, Philippines mới đăng tải bài viết “24/7 - ngày đen tối trong lịch sử Philippines”, nhắc tới việc năm ngoái Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi lý và phi pháp hòng "quản lý" gần như toàn bộ Biển Đông.
Nháy mắt mọc ra "thành phố"
Cái gọi là Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
của Việt Nam), cách đất liền Trung Quốc tới 350km được Bắc Kinh rốt ráo xúc tiến
thành lập cuối tháng 6 năm ngoái. Đây là thành phố thứ 658 theo phân loại của
Trung Quốc, có 45 quan chức chính quyền để điều hành, có thị trưởng và bí thư
thành ủy tên là Phù Tráng - phó tham mưu trưởng quân khu tỉnh Hải Nam. Từ Tam
Sa, Trung Quốc muốn quản lý hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc ngang nhiên đưa khách du lịch
ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Chinadaily |
Thay cho cuộc xung đột nặng nề, từng chút, từng chút một, Trung Quốc toan tính
đưa nguồn lực của họ vào việc xây dựng, tạo lập sự hiện diện ở những hòn đảo nhỏ,
vắng vẻ hay thậm chí không có người ở. Ngay sau khi xúc tiến lập thành phố phi
pháp này, Trung Quốc lại nhanh chóng thông báo kế hoạch lập đơn vị đồn trú mà họ
gọi là để bảo vệ một "thành phố" trước đó chưa từng tồn tại.
Giới phân tích quân sự chỉ ra rằng, lập thành phố mới là dấu hiệu đáng lo ngại
của sự quả quyết ngày càng lớn mà Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp chủ quyền
với khu vực. Người Trung Quốc còn được vỗ về với những kế hoạch phát triển du
lịch biển của chính quyền. Quan chức Trung Quốc từng không ngại ngần tán dương
quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) sánh ngang vẻ đẹp của những bãi biển
Thái Lan và hứa hẹn sẽ mở các tuyến du lịch, triển khai những du thuyền xa hoa
tới nơi đây.
Và Trung Quốc đã lên kế hoạch tận dụng ưu thế kinh tế để dần dần xây dựng sự
hiện diện trên các đảo ở Biển Đông. Họ trông đợi rằng Philippines, Việt Nam hay
những nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ bị đẩy vào thế bị động, khó khăn trong
việc khẳng định chủ quyền với các đảo đã đầy rẫy binh lính, các tòa nhà và cả
dân thường Trung Quốc. Họ ngang nhiên theo đuổi chiến thuật “tạo dựng nguyên
trạng mới” có lợi cho yêu sách chủ quyền của mình.
Biến biển quốc tế thành ao nhà
Được sự vỗ về từ nhà hữu trách, nhiều người dân Trung Quốc giờ đang nuôi ước mơ
được tới cái gọi là Tam Sa - mà họ coi như Maldive của Trung Quốc. Ngày 22/7,
Nhật báo Trung Quốc dẫn lời Mo Qun - quản lý hãng hàng không Meiya Air cho hay,
hãng này đã tậu 5 chiếc thuỷ phi cơ để hiện thực hoá giấc mơ du lịch biển của
người Trung Quốc. Theo ông này, hai chếc Cessna, có thể mang 19 du khách/chiếc
đã có sẵn ở Tam Á, số còn lại sẽ sớm được cung cấp.
Meiya Air dự kiến khởi động đường bay từ Tam Á đến "Tam Sa” - Mo cũng không ngại
ngần đưa ra lời giải thích, du lịch hàng không sẽ phát triển vì chỉ mất 70 phút
thay vì 10 giờ đi tàu. Sau đó, các chuyến bay giữa các đảo thuộc "Tam Sa" sẽ là
mục tiêu kế tiếp.
Meiya Air là hãng hàng không đầu tiên được cấp phép sử dụng dịch vụ thuỷ phi cơ.
Công ty này với mong muốn “đón đầu cơ hội kinh doanh” sẽ thiết lập chi nhánh ở
cái gọi là Tam Sa.
Theo Nhật báo Trung Quốc, giai đoạn 1 xây dựng cầu cảng sử dụng mục đích dân sự
ở đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã hoàn
tất với 9 cầu cảng, tổng giá trị đầu tư khoảng 55 triệu USD.
Trong khi đó, một tàu hậu cần mới mang tên Tam Sa 1 sẽ hoàn tất đầu năm 2014 để
vận chuyển nguyên vật liệu cần thiết ra đảo. Vị thị trưởng của “Tam Sa” Tiêu
Kiệt tiết lộ, chính quyền nơi đây đã bắt đầu đưa ra kế hoạch vận chuyển, phát
triển các đảo và mới hoàn tất gần đây.
Gần đây, Trung Quốc dùng hai tàu Yexiang Princess và Qionghai 3 để đưa dân du
lịch ra “Tam Sa”. Năm qua, Qionghai 3 ra “Tam Sa” 70 lần trong khi Yexiang
Princess thực hiện khoảng 16 hành trình, vận chuyển tổng cộng 40.000 hành khách
và 7.000 tấn hàng hoá.
Cùng với Nhật báo Trung Quốc, Tân hoa xã hôm nay đưa thêm tin, “Tam Sa” sẽ đón
nhận 13 chuyên gia có bằng tiến sĩ làm việc tại thành phố để thúc đẩy phát triển
kinh tế và xã hội. Những người này chủ yếu đến từ cơ quan Quản lý Đại dương, các
trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng, sẽ làm việc ở “Tam Sa” trong một năm
ở những lĩnh vực chủ yếu gồm nghiên cứu Biển Đông, sinh thái hàng hải, bảo vệ
môi trường, kế hoạch đất đai và ngư nghiệp.
Trước đó, hôm 17/7, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh
nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là thành phố Tam Sa.
Trong đợt cấp phát lần này có 10 giấy chứng minh cho cư dân sống tại đây và 68
giấy cư trú dành cho nhân khẩu lưu động. Phó thị trưởng thành phố Phùng Văn Hải
ngang ngược tuyên bố sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, từng bước tiến
tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Như vậy, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, chỉ trong vòng một năm,
Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh tay vào "Tam Sa" theo đúng kiểu mà tờ Thời báo
Hoàn cầu nước này từng ngang nhiên nhấn mạnh: “Là một thành phố cấp địa khu lớn
nhất ở Trung Quốc, "Tam Sa" có vị trí địa lý và chiến lược đặc biệt. Do đó, cần
các phương pháp quản lý hoàn toàn khác biệt so với các thành phố khác”.
- Thái An