Tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Brunei mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cáo buộc Philippines khuấy động căng thẳng xung quanh tranh chấp Biển Đông.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn đưa ra hàng loạt chỉ trích khác với Manila khiến Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vốn không định phát biểu, nhưng cuối cùng buộc phải lên tiếng. Ông bác bỏ từng cáo buộc của phía Trung Quốc, đồng thời tố ngược lại nước láng giềng rằng đưa ra bản đồ 9 đoạn khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông là yêu sách quá mức; là tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế và thúc giục các nước tham dự cuộc họp ủng hộ các quy định pháp lý.

Sau cuộc khẩu chiến ấy, báo chí Trung Quốc đã cảnh báo về một cuộc”phản công” chống lại Philippines là không tránh khỏi nếu Malila tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh. Tướng Trung Quốc Lạc Nguyên thì gọi Mỹ là “thiên vị” và cáo buộc Manila chơi trò của “kẻ gây rối”. Trong suốt hai năm qua, Trung Quốc luôn tung ra các tuyên bố như vậy để đe dọa Philippine bằng sự trừng phạt, thậm chí là chiến tranh.

{keywords}
TQ điều tàu tới bãi cạn Scarborough giữa lúc đụng độ với Philippines. Ảnh: wordpress

Ngày 28/5, tờ Daily Mail Trung Quốc xuất bản bài viết tiêu đề “Trung Quốc tự hào chiến lược khôi phục các đảo, bãi đá ngầm bị Philippines chiếm đóng”. Bài viết dựa trên cuộc phỏng vấn truyền hình với tướng PLA (quân đội Trung Quốc) Trương Triệu Trung. Ông này cho biết hải quân đang vây hãm đảo Scarborough, đảo nằm trên Biển Đông và đang là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, như chiếc "cải bắp", với nhiều tàu chiến.

Trung Quốc gọi bãi cạn nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines này là đảo Hoàng Nham, trong khi Philippines gọi là Panatag. Bãi cạn có tên quốc tế là Scarborough.

Trương giải thích tỉ mỉ chiến lược của Trung Quốc như sau: "Chúng tôi đã bắt đầu có những biện pháp để bao vây và kiểm soát các vùng biển quanh đảo Hoàng Nham, bao vây và kiểm soát liên tục cho đến tận bây giờ”, rằng PLA đã áp dụng chiến lược "cải bắp" để "khóa" hòn đảo đối với Philippines, khi liên tục phái tàu hải giám, tàu ngư chính bên cạnh tàu chiến "canh" ở khu vực.

"Nếu Philippines đi vào trong, thậm chí là khu vực xa nhất, đầu tiên họ sẽ phải hỏi xem liệu hải quân của chúng ta có cho phép hay không. Sau đó họ phải hỏi xem các tàu ngư chính và tàu hải giám của chúng ta có cho phép hay không", ông Trương khẳng định: “Chiến lược thỏa đáng này nhằm đảm bảo cho ngư dân Trung Quốc có thể đánh bắt an toàn, quyền hàng hải, lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc được đảm bảo”.

Tướng Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta nên làm nhiều hơn như thế trong tương lai. Nếu chúng ta thực hiện chiến lược cải bắp, Philippines sẽ không thể đưa lương thực và nước uống tới các đảo. Không có nguồn cung cấp, quân đội đồn trú sẽ phải rời đi và sẽ không bao giờ có thể quay trở lại. Chúng ta phải cân nhắc đúng thời điểm làm như thế. Trong ít năm qua, chúng ta đã có một số thành công ở quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam), ở Hoàng Nham và tiếp đến sẽ là bãi cạn Thomas 2”.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm làm theo cách này để lấy các đảo, bãi đá ngầm. Với Nam Sa và Tây Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam), chúng ta đã thiết lập "thành phố Tam Sa" để quản lý. Bước tiếp theo là củng cố sức mạnh và thẩm quyền, phát triển kinh tế, du lịch, ngư nghiệp, bảo vệ hàng hải”.

Sau tất cả, dù Trung Quốc hung hăng tuyên bố chủ quyền như vậy, điều cơ bản là không có bằng chứng tồn tại nào chứng tỏ điều đó. Từ Wikileaks, điện tín ngoại giao mật Cable 08BEIJING3499 từ đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh gửi tới Washington ngày 9/9/2008 thông báo rằng, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc và cả học giả địa phương lại không thể chứng cứ, hồ sơ lịch sử cụ thể để biện minh cho “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra. Theo đó, ngày 30/8/2008, phó giám đốc phụ trách luật Hải dương và luật Biển của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yin Wenqiang nói với quan chức phụ trách chính trị đại sứ quán Mỹ rằng “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và vùng nước lân cận”. Nhưng theo bức điện tín “Yin thừa nhận không biết về chứng cớ lịch sử của đường 9 đoạn và chỉ đề cập chung chung là ‘có tài liệu lịch sử để chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc”.

Quan chức Mỹ cũng nói chuyện với học giả Yang Baoyu thuộc Đại học châu Á, Bắc Kinh và có nhận định tương tự. Điện tín nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không có bất kỳ bằng chứng nào và buộc phải sử dụng vũ lực để bắt nạt láng giềng.

Trung Quốc rõ ràng đã từ bỏ chính sách “trỗi dậy hoà bình” và trở nên gây hấn hơn trong khu vực. Những gì đang diễn ra trong chiến lược của Bắc Kinh giống như câu nói của Mao Trạch Đông thời trước: “Quyền lực chính trị phun ra từ nòng súng”.

Thái An (theo bworldonline)