Cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Barack Obama tại phòng
bầu dục Nhà Trắng chỉ kéo dài hơn kém một tiếng đồng hồ, nhưng kết quả là lịch
sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã bước sang trang mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tại phòng
bầu dục Nhà Trắng ngày 25/7.
Ảnh: Getty Images
Chuyến công du của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã đem lại tất cả những gì
được mong đợi trước lúc lên đường: một tuyên bố chung nâng tầm lên quan hệ đối
tác toàn diện, một cam kết hoàn thành đàm phán TPP trước cuối năm nay, và rất
nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại có ý nghĩa thiết thực với sinh
nhai của hàng triệu nông dân, công nhân ở bên này và bên kia bờ Thái Bình Dương.
Báo chí thế giới đã không lầm. Đây là một thắng lợi chung (win-win) của hai đất
nước từng đối đầu nhau trong cuộc chiến khốc liệt kết thúc hơn 30 năm trước, và
mới chỉ thực sự hàn gắn quan hệ từ 18 năm nay.
Chặng đường tất nhiên không êm ả, thuận chiều như cuộc hòa giải mà nước Mỹ trên
thế thượng phong dành cho các cựu thù thời Thế chiến II.
Thương tổn do chiến tranh Việt Nam để lại cho nước Mỹ đã khiến công cuộc bình
thường hóa trong nhiều nhiều năm trở thành con tin của việc tranh giành lá phiếu
cử tri.
Những hồ sơ dân chủ, nhân quyền, tôn giáo - rất quan trọng ở một quốc gia đã đưa
những giá trị đó lên bàn thờ phụng thần thánh - góp thêm phần chia rẽ khi phải
ứng xử trước một hình thái chính trị và ý thức hệ khác biệt.
Chưa nói đến những toan tính địa-chính trị của tam giác Mỹ-Trung-Xô giai đoạn
cuối chiến tranh lạnh càng làm phức tạp bài toán đi tìm “con đường ngắn nhất từ
Hà Nội tới Washington DC”.
Dễ hiểu vì sao mỗi bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại nhạy cảm
với dư luận ở cả hai nước và dưới con mắt quan sát của thế giới như vậy. Hóa
giải được áp lực đó là một trong những chìa khóa thành công khi xử lý vấn đề
Việt Nam của các chính quyền từ Bush (cha) tới Clinton, qua Bush (con) và nay là
Obama.
Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ tái lập các mối dây chính thức. Từ đó đến nay đã có
rất nhiều nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác còn non nớt giữa hai nước.
Nhưng phải đến năm 2013 này, với sự có mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại
Nhà Trắng, lần đầu tiên, các hoạt động của nguyên thủ Việt Nam đã hòa chung vào
dòng thời sự quốc tế theo thông lệ phổ biến, xa rời những khách khí, có phần
cứng nhắc, ngượng nghịu của buổi ban đầu.
Sẽ còn nhiều diễn giải và bình luận về hành động của Chủ tịch Trương Tấn Sang
chia sẻ cùng Tổng thống Obama bức điện tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng
thống Harry S. Truman năm 1946. Cơ hội hợp tác bị bỏ lỡ hơn 60 năm trước nay là
dịp để đương kim lãnh đạo Việt Nam nhắn nhủ về sự cần thiết bồi đắp một nền tảng
mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Lại có thể hiểu nó hàm ý rằng vai trò lãnh đạo thế giới mà nước Mỹ luôn tự nhận
lãnh kể từ sau năm 1945 phải dựa trên căn bản tôn trọng quyền dân tộc tự quyết,
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, như Hồ Chí Minh từng
dẫn dụ theo tinh thần của hai bản Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco
trong bức thư nêu trên
Tuyệt vời hơn nữa là người đối thoại - chủ nhà cũng tỏ ra biết “tung hứng” không
kém khi nhắc lại mối liên hệ cảm hứng giữa hai bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ
và Việt Nam, giữa Hồ Chí Minh - người sáng lập nước Việt Nam hiện đại, với
Thomas Jefferson - bậc quốc phụ tôn kính của Hoa Kỳ.
Sự dễ dàng của lời nói sẽ chỉ là sáo rỗng nếu thiếu những điểm nhìn - quy chiếu
tiệm cận như thế. Và người ta có quyền hy vọng một nhận thức chung về quá khứ và
hiện tại được đặt trên sự thông hiểu, tương tác cá nhân giữa những nhà chính trị
hai nước sẽ dẫn đến những thành tựu thực chất trong tương lai.
Nhân tố con người trên thực tế đã và đang đóng vai trò then chốt trong quan hệ
Việt Nam - Hoa Kỳ. Thành công của chuyến thăm cấp nhà nước lần này liệu có thể
trọn vẹn nếu một nhân vật khác lèo lái nền ngoại giao Hoa Kỳ thay cho ông John
Kerry, và trước ông là bà Hillary Clinton?
Những người bạn của Việt Nam, cho dù là bạn cũ, hay bạn “chưa được kết bạn”
phỏng theo cách nói của Ngoại trưởng Kerry, rất cần sự cởi mở, chủ động từ phía
“đối tác toàn diện” mới giao kết.
Cuộc hội ngộ của Chủ tịch Trương Tấn Sang với ông bà Clinton dù nhìn dưới góc độ
nhân văn hay “ngoại giao bên lề” đều cho thấy phong cách ngoại giao của Việt Nam
đã đạt tới độ “chín” để có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng, trong sự tin cậy cho
bạn bè, đối tác.
Do vậy, điều đem lại nhiều lạc quan nhất sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt
Nam tới Hoa Kỳ không hẳn nằm ở những chữ ký và biên bản làm việc giữa hai bên.
Hay nói đúng hơn, những chữ ký đó không nói hết được ý nghĩa lớn nhất của sự
kiện này, thực sự đã gói trong hai chữ “bình thường”, theo nghĩa nó là đích đến
cuối cùng của tiến trình bình thường hóa, khi cả người dân và các nhà lãnh đạo
của chúng ta có thể nhìn thẳng vào nhau nói như những người bạn chân thành.
Xuân Linh
Chủ tịch nước mời gia đình Clinton thăm lại VN