- Độc giả thúc giục Bộ trưởng Y tế lên tiếng sau những vụ việc tiêu cực liên tiếp xảy ra đối với ngành, từ việc tiêm vắc xin cho đến nhân bản xét nghiệm, dù chỉ là ý kiến thể hiện quan điểm chống tiêu cực...

Hàng loạt ý kiến độc giả gửi về phản hồi bài báo 'Chị Nguyệt xứng đáng được thưởng hơn 320 nghìn'.

Độc giả Trang Hà đặt câu hỏi "ngành công an thưởng nóng các chiến sĩ phá án thành công tới 50 triệu đồng vì tiêu diệt tội phạm nguy hiểm. Vụ việc nhân bản xét nghiệm đã đưa ra ánh sáng "tội phạm giết người lặng lẽ", cứu hàng ngàn người đã và tiếp theo bị "chết gián tiếp" lẽ nào ngành y tế không tự hào?"

Theo chị Hà, những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, hoặc có tính cấp bách đều cần được xử lý khẩn trương và kịp thời, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Như lĩnh vực Thanh tra thì có "thanh tra đột xuất'; ngành công an có lực lượng đặc nhiệm, cảnh sát 113, phòng cháy chữa cháy; ngành y tế có cấp cứu 115.

Nhưng có một công việc cần "cấp cứu" đó là giải quyết đơn thư tố cáo tiêu cực có liên quan đến tính mạng hàng ngàn người như trường hợp đơn thư của chị Nguyệt thì vì sao ngành lại quá thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm?

Vì tính ra đơn thư được gửi đi từ tháng 7/2012, một năm sau mới được phanh phui mà lại do báo chí đưa ra? Như vậy trong suốt một năm, người chống tiêu cực và gia đình họ phải rất kiên trì, dũng cảm, chấp nhận hy sinh và đe dọa tính mạng (may mà chưa thiệt mạng).

Qua sự việc "nhân bản xét nghiệm", độc giả kiến nghị không chỉ Chính phủ, các ngành cũng cần có kênh thông tin riêng như một bộ phận "tai mắt" cho ngành để tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân. Đối với những đơn thư tố cáo những vụ việc có tính cấp bách, nguy hiểm, cần phải giải quyết cấp bách như "cứu hỏa" chứ không nên "theo quy trình".

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Độc giả Hà cũng dành những lời riêng cho Bộ trưởng Y tế khi muốn chờ đợi bà lên tiếng sau những vụ việc tiêu cực liên tiếp xảy ra đối với ngành, từ việc tiêm vắc xim cho đến xét nghiệm.

"Suốt quá trình gần một tháng qua, kể từ khi vụ việc nhân bản xét nghiệm được phanh phui, đến nay vẫn chưa thấy ý kiến gì từ phía Bộ trưởng Y tế, dù là một ý kiến thể hiện quan điểm chống tiêu cực, chỉ đạo vụ việc hay khích lệ tinh thần chống tiêu cực của người tố cáo, nhất là khi họ lại là những phụ nữ, người mẹ...?"

Độc giả này cho hay : "ở các nước tiên tiến, người đứng đầu ngành phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra ở ngành mình, huống chi đây là những vụ có thể nói là xì căng đan, dư luận nổi sóng còn Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ sao lại im lặng?"

Thưởng vì chấp hành quy định thi đua?

Nhiều độc giả cũng không đồng tình không chỉ mức tiền thưởng mà cả cách trao tiền thưởng, bởi như dân gian vẫn luôn nói "tiền cho không bằng cách cho".

“Cứ nhìn cung cách phải tổ chức khen thưởng, tôi nghĩ có lẽ lãnh đạo ngành y tế Hà Nội “không vui lắm” khi phải khen thưởng chị Nguyệt. Chính vì vậy mà họ đã chấp hành " nghiêm túc" các quy định hiện hành về thi đua khen thưởng, để không ai bắt bẻ vào đâu được” - ý kiến của độc giả tên Vũ Tuấn (mytuan55@...).

Theo độc giả Thương Giang ( thuong.giang5@...) bất bình "một buổi trao thưởng chiếu lệ, gượng gạo thật chẳng đáng”.

Độc giả Nhật Minh (nhatminhnhatminh@...) cho rằng, các cơ quan cấp trên cần nghiên cứu mức thưởng thích hợp hơn.

“Chưa kể, như bạn đọc Thuyết (thuyet_danvan@...) nêu ý kiến, ngoài vấn đề tiền thưởng, danh dự, quan trọng xã hội "học" được ở chị Nguyệt lòng dũng cảm, đạo đức nghề nghiệp của con người.

Độc giả Nguyễn Đình Hòa (ndhoa.hti@...) còn đề xuất ngoài "thưởng lớn", lẽ ra ngành y nhân vụ việc này có thể tranh thủ phát động phong trào học tập tấm gương những người dám đứng lên tố cáo. Đó là tấm gương cần được xã hội khâm phục và tôn vinh.

"Nhìn nhận người dám đứng lên tố cáo không chỉ là tấm bằng khen hay tiền thưởng mà là việc xử lý như thế nào đối với những người bị tố cáo”, độc giả Hung (hungntcusiz@...) kiến nghị.

Hồng Nhì