- Các tổ chức chính quyền địa phương phải có năng lực tốt. Họ cũng phải đạt được niềm tin của người dân - Thị trưởng Nhật Bản chia sẻ.

VietNamNet hỏi chuyện GS. Koda Masaharu, ĐH Chuo, và Thị trưởng Watanabe Takashi của thành phố Higashimurayama về vai trò của người dân trong xây dựng chính quyền địa phương nhân dịp hai ông dự hội thảo chia sẻ xây dựng chính quyền địa phương ở Hà Nội.

>> Mất điện, phố ngập...dân biết kêu ai
>> Người dân là cổ đông của thành phố

Dân tham gia việc của chính quyền

Đề cập vấn đề này, GS. Koda Masaharu cho hay, ở Nhật Bản,  những nỗ lực của Nhật Bản để nâng cao "tính tự trị" của các chính quyền địa phương đã diễn ra từ năm 2000. Hai yếu tố "tự trị tổ chức" và "tự trị người dân" đều phải được chú trọng. Ý chí, nguyện vọng của người dân phải được phản ánh vào các chính sách và hoạt động của chính quyền địa phương.

"Đó là hai bánh của một chiếc xe, không thể thiếu một trong hai. Các tổ chức chính quyền địa phương phải có năng lực tốt. Họ cũng phải đạt được niềm tin của người dân".

Tuy nhiên, ông cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam có sự khác biệt. Ở Nhật, cả người đứng đầu cơ quan hành chính và các ủy viên hội đồng đều do dân bầu trực tiếp.

{keywords}
Giáo sư Koda: Chính quyền địa phương phải có năng lực tốt, đạt được niềm tin của người dân

Ở Việt Nam không phải thế, nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp, họ đều do dân bầu lên. Mỗi nước áp dụng cơ chế nào là do quá trình lịch sử, điều kiện môi trường xã hội cụ thể. Bầu cử trực tiếp không phải cơ chế duy nhất. Lựa chọn là của mỗi nước để có một chính quyền địa phương phù hợp.

Để có được năng lực "tự trị người dân", người dân có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống của chính mình, đâu là điều kiện tiên quyết?

Đó là coi trọng cơ chế phối hợp, tương tác giữa chính quyền và người dân, luôn cố gắng có sự tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo và người dân, để biết những vấn đề tồn tại của địa phương, mong muốn của người dân.

Phải thường xuyên trao đổi giữa các ủy viên hội đồng với người dân, đặc biệt là những chuyên gia, trí thức, học vị cao trong nhân dân, hiểu biết về luật pháp, chế độ chính sách. Chính những trí thức đó sẽ nói chuyện, trao đổi lại với đông đảo dân chúng để nâng cao hiểu biết của họ.

Trong trường hợp đó, sẽ khó khăn hơn hay thuận lợi hơn cho chính quyền?

Tôi nghĩ là có lợi. Người dân sẽ chỉ rõ hơn những vấn đề họ đang gặp, cũng như những mong muốn của họ đối với chính quyền, giúp tăng khả năng phối hợp, giải quyết các vấn đề chính xác hơn.

Tâm huyết của người đứng đầu

Theo Thị trưởng Watanabe Takashi, những nỗ lực tạo cơ chế cho người dân tham gia quá trình vận hành hành chính, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và người dân, nói chung tất cả các địa phương ở Nhật đều triển khai.

{keywords}
Thị trưởng Watanabe.

Tất nhiên có sự chênh lệch, nơi làm nhiều, nơi làm ít, nơi làm mạnh, nơi làm chưa mạnh. Nhưng có những nơi chỉ làm hình thức, không thực chất. Việc này tùy thuộc vào cách làm và tâm huyết của người đứng đầu.

Ở thành phố nơi ông làm Thị trưởng, việc này làm được phụ thuộc như thế nào vào người đứng đầu, tức là Thị trưởng?

Tôi nghĩ nỗ lực đã thu hút được người dân tham gia công việc của thành phố là để họ tham gia đến tận khâu đánh giá chính sách.

Hội thảo để người dân đóng góp ý kiến xây dựng chính sách thì nhiều nơi đã làm. Nhưng tổ chức "đại hội cổ đông" để đánh giá việc quản lý, vận hành của người đứng đầu, xem đồng tiền - sự đầu tư của người dân có tạo ra lãi, hiệu quả không, có lẽ mới chỉ có Higashimurayama làm được.

Người dân tự đánh giá, chấm điểm những chính sách họ đã tham gia xây dựng, sau khi thành phố áp dụng, thực hiện, có giúp cải thiện cuộc sống. Qua đó, họ sẽ có sự hào hứng để tiếp tục tham gia quá trình hoạch định chính sách, tạo thành một vòng tròn khép kín, liên tục.

Khi người dân tham gia sâu như vậy vào quá trình hoạch định chính sách của địa phương, đối với bản thân ông là Thị trưởng, điều đó khó hay thuận?

Có cả hai mặt. Với những dự án công cộng lớn như làm đường, xây cơ sở xử lý rác thải..., có người ủng hộ và có người kịch liệt phản đối vì ảnh hưởng quyền lợi.

Do đó, trong quá trình quyết định thực hiện những dự án như vậy, nếu có sự tham gia của người dân sẽ rất mất thời gian, nhiều ý kiến. Nhưng một khi đã đi đến được sự đồng thuận thì việc triển khai sau đó sẽ rất thuận lợi. Trong thời đại ngày nay, sự tham gia của người dân, dù mất thời gian và phiền phức, là không thể thiếu.

Chung Hoàng