- Thảo luận tổ chiều nay về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số tồn tại vẫn chưa được nêu rõ ràng như hiệu quả của chủ trương sáp nhập bộ, ngành, kỷ luật hành chính. Một số ý kiến phản ánh, "dân chưa thỏa mãn với kết quả kiểm điểm sai phạm ở Vinashin".


So với 5 năm trước, thu nhập tăng 35%?

Nhiều ĐB phản ánh thực trạng người nghèo đang phải đối mặt với bão giá.

Theo tổng kết của Thủ tướng, năm 2010, thu nhập của dân cư tăng 35% so với năm 2006 (đã loại trừ yếu tố tăng giá). Nhưng nhẩm tính trượt giá của vàng và ngoại tệ, nhiều ĐBQH cho rằng mức tăng thu nhập vẫn chưa thấm vào đâu so với bão giá.

ĐBQH Thanh Hóa tranh thủ xem lại tài liệu.

Cho rằng, 35% là một thống kê đẹp, nhưng theo ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên), "con số chưa nói lên được thực trạng hiện nay trong đời sống nhân dân".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhắc lại một luận đề quen thuộc, rằng tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được đo đếm.

"Bao nhiêu trong đó là do sản xuất kinh doanh, bao nhiêu là do đồng tiền mất giá? Tính được cụ thể thì mới lý giải được tại sao tăng trưởng cao mà đời sống người dân không đi lên. Người nghèo, công chức bậc trung bị bão giá tác động nên đời sống vẫn vô cùng khó khăn. Vì thế mà  càng gia tăng tham nhũng vặt", ông Thuận nói.

Cấp phó không giảm

Liên quan đến đánh giá của Chính phủ về hiệu quả của chủ trương sáp nhập bộ, ngành bắt đầu triển khai trong nhiệm kỳ này, các ĐBQH cho rằng phải có các đánh giá mang tính định tính mới biết được chủ trương này hiệu quả tới đâu.

Ông Lê Quang Bình: "Mục tiêu CCHC là giảm cấp phó bỏ cấp trung gian, nhưng báo cáo không nói rõ kết quả thế nào. Tôi không biết chính xác nhưng nghe đâu cấp phó chả giảm"

Bà Trịnh Thị Nga (Phú Yên) dẫn ví dụ, số đầu mối được tiếng là giảm, nhưng bộ máy bên trong lại "phình". Nếu cấp bộ mọc thêm tổng cục thì dưới địa phương có ngay các chi cục. Tiếng là giảm cấp phó, nhưng thực chất, số cấp phó ở các bộ, sở đa ngành còn nhiều hơn cấp phó từ các bộ cũ cộng lại.

Bà Nga cho hay, chỉ cần công khai tổng biên chế năm 2006 bao nhiêu, đến nay tăng lên bao nhiêu là đánh giá được ngay hiệu lực, "chứ thông tin thế này ĐBQH thấy chưa yên tâm lắm".

Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn nói, chủ trương giảm bộ máy, giảm biên chế là đúng. Nhưng sau khi ghép bộ thì phình Tổng cục. Ông Đàn mong Chính phủ nghiên cứu lại.

ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) gọi đây là "bình mới mà rượu cũ", thay tên gọi, nhưng bộ máy vẫn những con người đó. Ông Lượng tán thành việc Chính phủ nên đánh giá  hiệu quả chủ trương này.

Vinashin: dân chưa thỏa mãn

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng quan ngại, "Sai  phạm ở Vinashin mà không kỷ luật ai là nhân dân chưa bằng lòng. Chúng ta tốn kém bao nhiêu tiền để tái cơ cấu tập đoàn này thì trách nhiệm của các thành viên Chính phủ đến đâu cũng phải nói cho rõ. Chứ  như thế thì chưa thuyết phục được dân".

ĐB Nguyễn Lân Dũng: "Dân chưa hài lòng".

Chung ý kiến với bà Hồng, GS Nguyễn Lân Dũng nói, người dân không chỉ chưa hài lòng cách xử lý vụ Vinashin mà còn cho rằng Quốc hội phải có thái độ nghiêm minh trong việc sử dụng thẩm quyền giám sát của mình.

Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu phân tích, "nếu chỉ nói sai phạm ở Vinashin chưa đến mức kỷ luật ai là chưa được. Cần phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cụ thể. Cho dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rồi nhưng, cái gì liên quan đến Đảng thì Đảng vẫn có quyền xem xét lại, liên quan đến Quốc hội thì Quốc hội vẫn có quyền yêu cầu xem xét lại".

Bày tỏ thái độ chưa hài lòng về cách xử lý sai phạm ở Vinashin, đa số ĐBQH đều mong Chính phủ rút kinh nghiệm điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm bài học cho nhiệm kỳ sắp tới. Nhiều ĐB nói, nhìn vào cách xử lý sai phạm ở Vinashin mà dân e ngại cho hiệu lực quản lý các tập đoàn khác.

Tất nhiên, trong việc này có trách nhiệm giám sát của QH.

Chẳng hạn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, còn nhiều hạn chế trong quản lý vốn và tài sản nhà nước. Đánh giá như vậy rất đúng, song cần mổ xẻ kỹ nguyên nhân. Một trong các yếu tố đó là do thiếu hành  lang pháp lý từ phía QH. Chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chính phủ khóa tới, QH cũng nền rà soát lại hành lang pháp lý  chặt chẽ hơn. Lấp ngay từ đầu lỗ hổng về quản lý vốn, tài sản nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại tổ Hà Tĩnh.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình phản ánh, cơ chế xác định trách nhiệm đã bàn từ nhiều khóa nhưng vẫn chưa làm được.

"Nghị quyết của Đảng hay QH đều yêu cầu cải cách cơ cấu, giảm đầu mối, giảm cấp phó, mỗi việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm. Nhưng có những việc mà mỗi bộ dính một tí, không biết quy trách nhiệm cho ai. Báo cáo của CP hay các báo cáo thẩm tra của các UB của QH cũng không chỉ ra được trách nhiệm thuộc về ai", ông Bình nói

Theo Phó đoàn ĐBQH Quảng Bình Nguyễn Văn Nhượng, quan trọng nhất là Thủ tướng đã nhìn ra những lỗ hổng thể chế và tính đến yêu cầu cấp bách phải sửa Hiến pháp.

"Nhân dân ghi nhận những cố gắng của Chính phủ. Nhưng muốn tiến lên, vượt lên hơn nữa thì nhiệm kỳ tới có dám mạnh dạn làm tới cùng không? Đảng đã mở cửa rồi, vậy Chính phủ có dám làm không?". Ông Nhượng hy vọng tổng kết khóa sau không còn phải nhắc lại những điều đáng tiếc.

Nói như Phó trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai, vấn đề cải cách không chỉ ở bộ máy hành chính mà phải thay đổi từ con người.

Theo nghị trình, QH sẽ dành buổi chiều 25/3 để thảo luận trên hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng và Chủ tịch nước.

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Nghiêm Vũ Khải: "Đề nghị QH phải thông qua nghị quyết về đánh giá nhiệm ky của Thủ tướng, Chính phủ̀. Chỉ có đưa ra Nghị quyết thì mới có tính pháp lý để khóa QH tới căn cứ vào đó để giám sát".

  • Lê Nhung - Thủy Chung

  • Ảnh: Lê Anh Dũng