- Việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà công chức này không giải thích được phải bị coi là phạm tội.

>> 'Cá mập tham nhũng chắc đang mất ăn mất ngủ'
>> 'Thủy thủ' đủ can đảm bắt 'cá mập' tham nhũng?
>> 7 đoàn kiểm tra tham nhũng: Phải bắt được 'cá mập'

Khoảng cách pháp lý

Thảo luận về sửa đổi pháp luật Hình sự, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH cho biết còn khoảng cách giữa bộ luật Hình sự Việt Nam và Công ước LHQ về phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Công Hồng cho biết tại diễn đàn Chính sách pháp luật lần 1 hôm nay (29/8) ở Hà Nội, khi phê chuẩn Công ước này năm 2009, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, khoảng cách hội nhập về pháp lý này đang bộc lộ những bất cập.

{keywords}
Ông Nguyễn Công Hồng: Sửa bộ luật Hình sự nên coi làm giàu bất chính là tội phạm. Ảnh: UNDP Việt Nam

Bộ luật Hình sự hiện chưa quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu nghi ngờ tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức đó có liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, và nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định khởi tố.

Nhận định "coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm" là một quy định tương đối mạnh mẽ, hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, ông Hồng kiến nghị khi sửa bộ luật Hình sự cần nghiên cứu bổ sung quy định này.

"Theo đó, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý sẽ bị coi là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Nguyễn Công Hồng nói.

Bên cạnh đó, có một số hành vi quy định trong Công ước mà pháp luật hình sự Việt Nam không coi là tham nhũng, dù đã coi là tội phạm và có chế tài nghiêm khắc, như đưa và môi giới hối lộ, xâm phạm hoạt động tư pháp...

Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định về trách nhiệm của pháp nhân đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, trong đó có tham nhũng. Trong khi trên thực tiễn, ngày càng có nhiều hành vi tham nhũng, rửa tiền, phạm tội kinh tế, tài chính, thuế, môi trường... mà chủ thể thực hiện là các tổ chức.

Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chưa cho phép áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt để xác minh nguồn gốc tài sản bị quy kết là do phạm tội.

Cân nhắc lâu làm tham nhũng thêm nghiêm trọng

Bình luận những điểm Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH đưa ra, ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách về chống tham nhũng của UNDP Việt Nam, nhận định: Đúng là nhiều điều khoản trong Công ước LHQ không mang tính bắt buộc, Việt Nam có thể lựa chọn những điểm phù hợp, phục vụ thực tiễn cũng như đáp ứng những yêu cầu tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.

{keywords}
Ông Jairo Acuna-Alfaro: Tuân thủ pháp luật hình sự ở VN đang giống việc tuân thủ đèn giao thông, không phải ai cũng dừng trước đèn đỏ. Ảnh: UNDP Việt Nam

"Nhưng không nên cân nhắc quá nhiều, quá lâu để vấn nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, làm tổn hại xã hội", ông Jairo nói. "Với nguyên tắc pháp quyền, khi luật Phòng, chống tham nhũng chỉ mang tính nguyên tắc, phòng nhiều hơn chống, không có chế tài, thì Bộ luật Hình sự phải là công cụ mạnh để thực sự đối phó tham nhũng".

Chuyên gia UNDP cũng nhấn mạnh nhận định lâu nay của các đối tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam: Pháp luật đã tương đối đầy đủ, việc cần làm là đẩy mạnh thực thi trong thực tế.

"Tuân thủ pháp luật hình sự ở Việt Nam đang giống như cách người Việt Nam tuân thủ đèn giao thông: không phải ai cũng dừng khi đèn đỏ, chờ đèn xanh mới đi", ông Jairo chỉ ra.

Chuyên gia UNDP lấy ví dụ việc án treo chiếm 1/3 số bản án tham nhũng, với các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có thành tích: "Điều đó làm tổn hại tính công bằng và hiệu lực của luật pháp, tạo ra môi trường trong đó làm sai không bị xử lý, trừng phạt, không phải chịu trách nhiệm".

Theo chuyên gia UNDP, nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội để tuân thủ nghiêm túc luật pháp là điều kiện quan trọng để phòng, chống tham nhũng.

Chung Hoàng