- “Phản biện là lý do để tồn tại Mặt trận Tổ quốc” song thực tế cho thấy công tác giám sát, phản biện của Mặt trận còn nhiều yếu kém, hạn chế.

Sáng 30/8, Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) đã tổ chức tại Hà Nội hội thảo “Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc - Góc nhìn từ các tổ chức phi chính phủ”.

{keywords} 

Lãng phí

GS Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, hiện là cố vấn của GAPR cho biết “phản biện là lý do tồn tại của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) bởi chức năng quan trọng nhất của MTTQ là đại diện cho các tổ chức của người dân, MTTQ là cơ quan góp ý cho các chính sách quan trọng của Nhà nước, tập hợp trí tuệ trong toàn xã hội”.

Tuy nhiên, qua hội thảo này có thể thấy năng lực và thực trạng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ còn nhiều hạn chế, tiếng nói phản biện giám sát của MTTQ còn yếu kém.

Ông Bùi Xuân Đức, ủy viên Ủy ban TƯ MTTQVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Mặt trận cho biết ở cấp trung ương, việc giám sát của Mặt trận không được tiến hành độc lập, chủ yếu ở hình thức tham gia cùng các đoàn giám sát của đại biểu QH, do đó hiệu quả không cao.

Ngoài ra, năng lực cán bộ trong việc giám sát, phản biện còn nhiều hạn chế, nhân lực mỏng, không có hội đồng tư vấn, các quy chế không rõ ràng, chưa có kỹ năng phản biện chuyên nghiệp.

Bà Lê Thị Ngân Giang, Trung tâm Nghiên cứu chính sách pháp luật về giới cho biết bà cảm thấy “rất tiếc” vì MTTQ tuy có vị thế chính trị và cơ sở pháp lý tốt để làm công tác phản biện nhưng đã lãng phí vì hiệu quả giám sát, phản biện của Mặt trận chưa cao.

Bà lấy 2 câu chuyện làm ví dụ. Câu chuyện thứ nhất là việc giám sát trong xây dựng văn bản. “Vừa rồi một loạt văn bản sai chỗ nọ chỗ kia nhưng chẳng ai bị làm sao cả”, bà Giang nói.

Câu chuyện thứ 2 liên quan đến vấn đề nhân sự. Bà Giang đặt câu hỏi: Với vai trò hiệp thương giới thiệu nhân sự, MTTQ đã từng trao đổi với 1 ĐBQH nào mà 5 năm đi họp không nói câu nào? Nếu không thì không thể hiệu quả được.

Ông Đức cho biết MTTQ trong việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân tại các bộ, ngành có tình trạng lúng túng, nể nang, né tránh, ngại va chạm và sợ chính quyền gây khó khăn (nhất là việc cấp kinh phí cho hoạt động), thậm chí có tình trạng Mặt trận “chạy theo” chính quyền.

Chính vì thế mới có chuyện hàng năm Ủy ban TƯ MTTQ VN đều nhận được từ 2-3 ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và xem xét chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền hơn 2/3 số đó (kèm theo ý kiến của Mặt trận) nhưng chỉ nhận được 40-50 ý kiến phản hồi.

Phản biện tốt giúp chống tham nhũng

Ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) dẫn vài ví dụ cho thấy hiệu quả của phản biện xã hội.

Ông cho biết trước đây đã từng có đề án thay nước Hồ Tây trị giá tới 23 triệu USD xong sau khi được các nhà khoa học, trí thức phản biện, đề án này đã không được thông qua. Hay như một đề án khác về phát triển lúa của Bộ NN&PTNT ban đầu trình lên có trị giá lên tới 1.200 tỷ đồng nhưng sau khi được phản biện, giám sát và tư vấn, trị giá của đề án này giảm mạnh và được phê duyệt ở mức 46 tỷ đồng!

GS Nguyễn Vi Khải cho biết phản biện xã hội có sự liên quan chặt chẽ và “cực kỳ quan trọng” đối với công tác phòng chống tham nhũng. “Nhà nước nào cũng có xu thế độc quyền, lạm quyền, để kiểm soát được tham nhũng cần phải dùng đến những lực lượng xung quanh để soi vào, thông qua công tác giám sát, phản biện của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội”, ông phân tích.

Ông dẫn ra một loạt các đề án lớn liên quan đến đã được giám sát, phản biện có hiệu quả trong thực tế như dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, thủy điện Sơn La (từ cao độ 615 sau phản biện xuống còn 215)…

Theo ông Nguyễn Vi Khải, cần lượng hóa kết quả giám sát, phản biện xã hội sau 30 năm đổi mới, đồng thời “đại phẫu” để giải mã các rào cản để công tác giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả, trong đó ông Khải nhấn mạnh “dân chủ là chìa khóa cho giám sát phản biện xã hội hiệu quả”, bằng cách tăng cường đối thoại và mở rộng tranh luận.

Ngoài ra, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo quyền công dân và quyền con người, xóa bỏ các luật, điều luật vi hiến.

Cẩm Quyên