Mỹ đang thúc đẩy hành động quân sự tại Syria để phản ứng cái mà họ gọi là chính quyền dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Nhưng liệu Tổng thống Obama có thể nhằm trúng mục tiêu kho vũ khí hóa học?

{keywords}

Ảnh: Chronicle

Hiện tại, ông Obama đang tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội để tấn công Syria, nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra về quy mô, mức độ, phạm vi của cuộc tấn công cũng như khả năng chiến dịch có thể đánh trực tiếp vào các cơ sở vũ khí hóa học. Đây là những câu hỏi không dễ trả lời.

Một số nhân tố trong tổ hợp vũ khí hóa học của Syria có thể được chôn sâu dưới lòng đất, nhưng phần lớn lại dễ nhận thấy trên hình ảnh vệ tinh. Nhiều cơ sở này rất gần các khu dân cư - và đây là một vấn đề. Tấn công chúng với bom nổ thông thường sẽ tạo ra khả năng phát tán chất độc hóa học trong không khí trên một diện tích lớn hơn, khiến dân thường cũng phải hứng chịu con số thương vong rất lớn.

Trong nhiều năm, Mỹ đã tìm cách phát triển các đầu đạn có thể được sử dụng để phá huy kho chứa vũ khí hóa học mà không gây nguy hại như mô tả ở trên.

Có lẽ các chỉ huy quân sự Mỹ đã hiểu rõ về cái gọi là "các vũ khí phá hủy tác nhân". Chúng hoạt động theo nhiều cách khác nhau, nhưng bản chất là nhiệt độ cao - giống như một quả bom siêu cháy để phá hủy tại chỗ tác nhân hóa học hoặc sinh học. Nhiệt độ cần thiết thông thường ở mức 1.200-1.500 độ C. Mặc dù một số chuyên gia cho rằng để phá hủy tác nhân sinh học cần mức nhiệt cao nhất, thì một số vũ khí hóa học như tác nhân gây độc thần kinh VX có thể bị phá hủy ở mức nhiệt thấp hơn.

Chưa biết chắc chắc về con số chính xác các đầu đạn nói trên mà Mỹ sở hữu. Có một hệ thống được biết tới là "crash pad" - vũ khí gây cháy ở nhiệt độ cao; một loại khác gọi là vũ khí tấn công thụ động (PAW).

Tuy nhiên, do quy mô và mức độ gần khu dân cư mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ có thể tránh oanh tạc nhiều mục tiêu kho chứa cùng lúc. Họ sẽ nhằm vào những nhân tố khác ví dụ như nguồn cung cấp điện hay một chọn lựa an toàn hơn là đánh vào khả năng khác của Syria, đặc biệt là hệ thống phát tán. Điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống pháo, tên lửa, máy bay thậm chí các cơ sở sản xuất tên lửa sẽ là mục tiêu oanh tạc. Các trụ sở, tòa nhà, đơn vị liên quan tới chương trình vũ khí hóa học cũng có thể là bị bắn phá.

Nhưng ở đây có một vấn đề khác với Tổng thống Obama. Rất nhiều mục tiêu - như pháo và máy bay - là nhân tố quan trọng tạo nên sự vượt trội của chính quyền Assad đối với quân nổi dậy. Nếu các tài sản bị phá hủy đủ để thay đổi cán cân quân sự trên mặt đất thiên về phiến quân, thì đây lại là điều ông Obama dường như không mong muốn khi ông nỗ lực thuyết phục sự hoài nghi từ Quốc hội Mỹ.

Trong khi nhiều nhân vật cấp cao ở Đồi Capitol mong muốn Washington hành động kiên quyết hơn để chống lại chính quyền Assad, cũng có không ít nghị sĩ phản đối tấn công hay muốn hoạt động quân sự rất hạn chế.

Vậy là Tổng thống Mỹ có một sứ mệnh kép vô cùng khó khăn. Đầu tiên là bán ý tưởng về một cuộc tấn công trừng phạt cho các chính khách trong nước với rất nhiều quan điểm trái ngược; nhưng sau đó lại phải điều chỉnh quy mô và phạm vi của chính bản thân cuộc chiến nhằm đảm bảo rằng, nó sẽ đưa ra cảnh báo cần thiết trong khi hoàn toàn không đảo lộn diễn biến trên mặt đất.

Thái An (theo BBC)