Chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt, quân chính phủ cũng như lực lượng nổi dậy đổ lỗi cho nhau về cái chết của dân thường. Người dân Damascus sống trong lo sợ không biệt khi can thiệp, tên lửa Mỹ sẽ chạm tới những đâu.

Abu Issa đã sẵn sàng. Ông 70 tuổi và là một trong những chiến binh của Bashar al-Assad. Đây là cuộc chiến tranh thứ ba với ông. Khi còn trẻ, ông tham gia cuộc chiến Syria chống lại Israel năm 1967 và 1973. "Người Mỹ có thể bắn tên lửa của họ, nhưng rồi chả đi tới đâu. Kẻ thù thực sự ở trên mặt đất, nhưng nếu họ tới, hoặc phiến quân tấn công sau khi Mỹ oanh tạc, tôi sẽ giết cả hai”, ông quả quyết.

{keywords}
Chợ al-Bzoureya tại Damascus. Nguy cơ thành phố bị tấn công tên lửa ngày một tới gần. Ảnh: EPA



Những binh lính khác trong đội quân của Assad cũng chuẩn bị tư thế tương tự. Họ đã quen với pháo và súng cối. Nhưng Mỹ giờ đây đang chọn lựa các mục tiêu lớn hơn, cùng các loại vũ khí mà các chiến binh ấy chưa từng trải nghiệm. Tên lửa dẫn đường mà Lầu Năm Góc lựa chọn có thể tấn công Syria trong thực tế không nhằm vào vùng ngoại ô, nơi binh lính Assad đóng quân. Chúng được chỉ định nhằm vào các sân bay, toà nhà chỉ huy, địa điểm pháo binh, những nơi mà họ hy vọng khiến quân đội Syria suy yếu để không thể hoặc sẽ không sử dụng vũ khí hoá học trong tương lai.

Và những người dân ở Damascus xem các quả đồi, toà nhà có thể là mục tiêu tấn công. Rất nhiều người đã ngủ ở bên ngoài. Một công viên gần khu liên hợp các toà nhà quân đội và chính phủ đã kín những gia đình quá sợ hãi, không dám ngủ trong nhà mình.

Có thông tin rằng, một hệ thống rađa quân sự đã được tháo dỡ tại sân bay quốc tế Damascus rồi được đào sâu, chôn chặt. Hàng loạt tên lửa Scud, xe tăng, máy bay cũng được ẩn giấu. Các toà nhà tình báo, quốc phòng trong thành phố gần như trống rỗng thiết bị, máy móc.

Trong khi đó, Tổng thống Syria dường như xuất hiện trong tâm trạng thoải mái gần đây. Ông trêu đùa một phái đoàn Yemen viếng thăm về tình hình hỗn loạn ở Ai Cập; chế giễu các nhà lãnh đạo khu vực là “nửa đàn ông”; ngồi thư giãn với một nhà báo Pháp. Ông nói: “90% phiến quân là những kẻ có liên kết với al-Qaida. Cách duy nhất có thể đối phó là xử lý chúng. Sau đó chúng ta mới có thể ngồi thảo luận về tương lai chính trị”.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, giết chết hay lật đổ Assad không phải là mục tiêu kế hoạch oanh tạc của ông. Ông và Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào đều là nhằm ngăn chặn Assad không dùng vũ khí hoá học. Tuy nhiên, Washington đang đối mặt với rủi ro rất lớn.

Người dân trên đường phố Damascus sợ rằng, Mỹ sẽ đánh trúng vào các kho chứa vũ khí hoá học, phát tán đám mây khí độc ra khắp thành phố. Họ đã trốn dưới những cây cầu hay trong công viên để tránh xa các toà nhà quân sự, nhưng khi khí độc lan tỏa, “chúng tôi có thể trốn ở đâu?”.

Họ cũng lo lắng về việc Mỹ đánh vào không quân Syria. Mỹ muốn làm suy yếu các hệ thống mà Assad có thể dùng để phát tán vũ khí hoá học. Nhưng nếu các máy bay, sân bay, trực thăng và khí tài bị phá huỷ nhiều, khiến quân đội chính phủ trở nên yếu thế so với phiến quân thì Mỹ có thể giúp các nhóm chiến binh liên quan tới al-Qaida mở rộng chiến dịch, có được những gì họ cần để tiến về thủ đô và lật đổ toàn bộ chế độ.

Rất nhiều người tin rằng, oanh tạc sẽ không làm được gì nhiều hoặc chả để làm gì cả. Các toà nhà chỉ huy có thể bị đánh trúng nhưng người chỉ huy thì đã cao chạy xa bay. Nhiều bộ ngành, doanh trại quân đội gần đây trở nên tĩnh lặng hơn hẳn ngày thường.

Một số khách sạn sang trọng ngừng kinh doanh, chờ đợi cuộc khủng hoảng qua đi. Nhiều người Syria nghĩ họ có thể tránh khỏi tâm điểm quốc tế về vũ khí hoá học, trở lại cuộc nội chiến với vũ khí thông thường khiến hơn 100.000 người thiệt mạng trong hai năm rưỡi qua.

Thái An (theo Guardian)