Nước Mỹ kỷ niệm 12 năm sự kiện 11/9 trong bối cảnh đặc biệt. Tổng thống Obama muốn đánh bom Syria vì những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học - loại vũ khí mà Washington viện cớ để đánh Iraq.


{keywords}
Ảnh: wordpress

Obama cũng muốn gửi đi bức thông điệp nhiều ý nghĩa: Ông đủ cứng rắn để thực thi cảnh báo "ranh giới đỏ" về vũ khí hóa học; ông muốn phá vỡ trục chống lại Israel (Iran, Syria, Hezbollah); và Iran phải giật mình vì có thể trở thành điểm đến tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Bush dùng nỗi đau 11/9 để phát động một cuộc chiến tranh liên miên kéo dài. Còn Obama nói rằng cần phải đánh Syria để thể hiện việc lên án sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng, bản thân nước Mỹ cũng từng sử dụng loại vũ khí hủy diệt này trong chiến tranh.

Mỹ sử dụng photpho trắng và uranium nghèo ở Iraq và Afghanistan. Vì những quy tắc chiến tranh, photpho trắng được coi là hợp pháp khi dùng để chống lại lực lượng quân sự nhưng không chống lại thường dân. Trong khi nhiều ủy ban LHQ cho rằng, dùng uranium nghèo là trái phép thì một quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra.

Một khi Mỹ oanh tạc Syria, việc nhanh chóng rút khỏi chiến tranh là khó khả thi. Vậy chính phủ Mỹ đã học được gì từ 11/9? Rằng không có bằng chứng thì không nên tiến hành hành động quân sự trên những báo cáo chưa được xác nhận? Hoặc tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm và đưa chúng ra trước công lý? Hay tự bắt đầu cuộc điều tra mạnh mẽ về tội ác kể cả ngăn chặn điều tra viên LHQ hoàn tất công việc của họ? Hay yêu cầu tất cả các bên đàm phán tìm ra một giải pháp?

Washington lập luận rằng đã cố gắng làm việc với LHQ để ngăn chặn Assad, nhưng Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để cản bước. Nga và Trung Quốc từng không chấp thuận để Mỹ và đồng minh dùng không quân chống lại Gaddafi của Libya hay để thay đổi chế độ. Nhưng đó lại là những gì đã xảy ra. Khi Quốc hội đặt câu hỏi Mỹ sẽ làm gì khi oanh tạc Syria hoàn tất, Ngoại trưởng Kerry trả lời rằng, các bên liên quan tới xung đột, gồm cả Nga sẵn sàng ngồi vào bàn hội đàm. Vậy tại sao không bỏ qua đánh bom mà đi thẳng tới đàm phán?

Trong khi Nga và Trung Quốc ngăn chặn sự đồng thuận của LHQ về can thiệp quân sự vào Syria ở thời điểm này, thì họ sẵn sàng thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho rằng, LHQ cần điều tra tìm ra kẻ chịu trách nhiệm về theo đuổi và sử dụng vũ khí hóa học, đưa chúng ra tòa án quốc xét xử theo hiệp ước cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dĩ nhiên, Mỹ không thể đồng ý với quá trình này, vì một lần nữa, vấn đề nhiên liệu hóa thạch lại là một phần trong các tính toán chính trị. Ví dụ, các vị tộc trưởng dầu mỏ, muốn đường ống dẫn khí tự nhiên của Qatar đi qua Syria thay vì Iran. Vì thế, Qatar được cho là đã cung cấp hàng tỉ đô la cho lực lượng chống lại Assad.

Nhiều người cho rằng, đây là lúc để quên đi thảm kịch 11/9. Cái chết của hơn 3.000 người vô tội đã được báo thù. Cũng có người lập luận, những kẻ khủng bố Trung Đông muốn giết người Mỹ để đáp trả những hành động của Mỹ trên đất nước họ.

Báo cáo điều tra chính thức về vụ 11/9 kết luận, 15/19 kẻ không tặc đến từ Ảrập Xêút. Nhưng bất chấp kết luận của ủy ban, chính quyền Bush và Quốc hội cũng không tuyên chiến với Ảrập Xêút. Đầu tiên, họ khởi xướng chiến tranh tại Afghanistan rồi bước thứ hai là nhằm vào Saddam Hussein ở Iraq. Người ta nói tới việc nước Mỹ cần một Trân Châu cảng mới, để cung cấp vỏ bọc chính trị cho cuộc xâm chiếm Iraq nhằm kiểm soát các giếng dầu.

Giờ đây, 12 năm sau, một tổng thống mới đang thúc giục đánh bom Syria chống lại chế độ Assad cho dù chi tiết ai sử dụng vũ khí hóa học vẫn chưa được làm rõ. Có những dấu hiệu cho thấy, lực lượng của các bên khác nhau trong cuộc nội chiến Syria đều sở hữu loại vũ khí này, và bản thân Syria chưa từng ký vào hiệp ước cấm sử dụng. Thậm chí, kể cả khi được chứng minh thì việc sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria cũng không cung cấp cơ sở pháp lý thích hợp để Mỹ oanh tạc nước này, nhất là khi không có sự phê chuẩn của LHQ. Hơn thế nữa, một vụ tấn công quân sự sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa lớn cho cả dân nước Mỹ và Syria cũng như các nước lân cận. 

Có một số lực lượng đối lập dân chủ hợp pháp ở Syria nhưng họ ngày càng bị lu mờ vì quân sự, bạo lực và các lực lượng tôn giáo cực đoan phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Syria đang là chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nghĩa là bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và dễ dàng vượt ngoài tầm kiểm soát, trở thành xung đột rộng lớn và nguy hiểm hơn nhiều.

Thái An (theo Opednews)