Trước nay, sự ủng hộ từ Moscow thường không giúp gì với các chính quyền ở Trung Đông. Điều đó đúng cho tới hiện tại. Nga đã ủng hộ nhiều lãnh đạo là đối tượng phản đối của phong trào nổi dậy như Ali của Tunisia, Mubarak của Ai Cập, Saleh của Yemen  và đến nay là Assad của Syria.


{keywords}
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Getty Images

Điện Kremlin luôn công khai phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự quốc tế nào vào các nước này.

Vấn đề ở chỗ, các nhà lãnh đạo nói trên đã có những trải nghiệm tồi tệ. Ngoại trừ Assad, họ thường bị lật đổ, bỏ tù, hay hành hình. Điều này, theo các nhà quan sát, đồng nghĩa với việc sức mạnh chính trị và quân sự của Kremlin có thể đang "nhẹ dần".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra đề xuất rằng, để tránh cuộc không kích trừng phạt của Washington, Assad phải giao nộp kho dự trữ vũ khí hóa học cho thanh sát viên LHQ. Khả năng giải trừ vũ khí hóa học của Syria dường như nằm ngoài dự kiến, nhưng nó đã khiến giới chức Nga tận dụng kẽ hở để khéo léo thay đổi. Trong sự kiện này, Tổng thống Mỹ Obama thận trọng hoan nghênh đề xuất của Moscow. Ông gọi đó là "một khả năng đột phá" và "diễn biến tích cực" trong bế tắc với chế độ Syria.

Phản ứng của Obama là điều dễ hiểu bởi những khó khăn và thách thức trong việc thuyết phục quốc hội ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria. Ông Kerry chắc chắn sẽ giữ vững áp lực cho một chiến dịch oanh tạc. Nhưng ít nhất trong vài tuần tới, cộng đồng thế giới còn phải tranh cãi xung quanh đội ngũ thanh sát viên vũ khí LHQ, việc tiếp cận các địa điểm nghi chứa vũ khí hủy diệt hàng loạt và kiểm tra chúng...

Nghĩa là mọi thứ bắt đầu lại giống như Iraq năm 2002. Từ nhìn nhận của Damascus thì vào lúc này, ít nhất bom Mỹ chưa rơi xuống và đó là nhờ Nga. Ông Lavrov có thể không cứu được Assad vô hạn định, nhưng chắc chắn khiến nhà lãnh đạo Syria có thêm chút thời gian.

Câu hỏi đặt ra là vì sao?

Người ta cho rằng, Nga cơ bản phản đối bất kỳ hình thức can thiệp quốc tế nào và nội bộ một quốc gia, vì Tổng thống Putin lo ngại, logic này có thể sẽ được áp dụng cho Nga và các vệ tinh. Nga và Trung Quốc rất lớn, đa chủng tộc. Cả hai không lấy làm ngạc nhiên khi coi thứ lý thuyết thời hậu Chiến tranh Lạnh - "trách nhiệm bảo vệ" của cộng đồng quốc tế - là mối đe dọa trực tiếp tới khả năng trấn áp các cuộc nổi dậy trong nước của họ cũng như tạo đà để phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ kiểu như ở Chechnya hoặc Tây Tạng. 

Putin cũng không phải là người hâm mộ phong trào dân chủ nhân dân hay kiểu quyền lực lật đổ tham nhũng. Nhờ quyền lực và sự cứng rắn khi kiểm soát nguồn dầu mỏ giàu có của Nga và những ngày tháng trải nghiệp trong KGB, tới nay ông vẫn đủ sức "áp chế" các nhân vật đối lập. Quan trọng hơn, ông đã xây dựng được thứ "quyền lực thẳng đứng" với hệ thống các thống đốc, cảnh sát trưởng, quan chức quân đội trung thành.

Ông Putin đã thành công trong một phong trào biểu tình non trẻ tại Moscow năm 2011-2012, nhưng tuần trước, các cử tri ở Moscow và Ekaterinburg lần nữa đã chứng minh rằng, nền tảng quyền lực của Putin ít cứng rắn hơn ông tưởng. Tại Moscow, nhà vận động chống tham nhũng nổi tiếng Alexei Navalny đã ghi điểm với 30% trong cuộc bầu thị trưởng. Trong khi ở Ekaterinburg, một nhân vật được Kremlin hậu thuẫn đã bị đối thủ địa phương đánh bại.

Và Mùa xuân Ảrập và những cuộc cách mạng màu xảy ra ở Liên Xô cũ giữa những năm 2000 cho thấy, phong trào ủng hộ dân chủ rất dễ lan nhanh. Trong tâm trí của Kremlin, họ cần phải phản đối bất cứ nơi nào các phong trào ấy xảy ra.

Tiếp đến là những câu hỏi về vị thế trên trường quốc tế. Putin được xem là người đã "phục hưng sức mạnh Nga" một lần nữa. Và một trong những điều mà vị lãnh đạo cường quốc làm là đối kháng với Mỹ. Trong rất nhiều năm, Nga phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, kể cả một quốc gia hạt nhân như Iran sẽ đặt ra mối đe dọa với Nga và đồng minh tại vùng Caucasus không khác gì như với Mỹ và Israel.

Đừng quên Moscow là phía đối kháng lịch sử lớn nhất của Washington.

Thái An (theo Dailybeast)