Manila đang đẩy nhanh tốc độ vụ kiện pháp lý chống lại yêu sách chủ quyền thái quá mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông.


{keywords}
Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh: Getty Images

Bất chấp áp lực ngày càng lớn từ phía Bắc Kinh, Philippines đã tập hợp được một đội ngũ pháp lý quốc tế xuất sắc để tiến hành vụ kiện chưa từng có tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Theo các chuyên gia, cho dù có kết quả hay không, vụ việc sẽ mang một sức nặng đáng kể về mặt đạo đức và chính trị.

Philippines đã đầu tư "tâm sức chính trị to lớn trong nước cờ pháp lý này và họ muốn đảm bảo thành công ở bất kỳ giá nào", học giả nghiên cứu an ninh Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho biết. "Nếu Philippines đệ trình ít bằng chứng thuyết phục thì sẽ rất khó khăn trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ theo đuổi yêu sách chủ quyền của họ, thậm chí quả quyết hơn những năm qua", ông nói.

Vượt ra ngoài vấn đề pháp lý, trường hợp này còn có những thách thức và rủi ro về mặt chính trị, ngoại giao mà những nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đang dõi theo chặt chẽ. Mỹ - có quan hệ quân sự gần gũi với Philippines, là đồng minh hiệp ước lâu năm của quốc đảo, cũng đang theo sát tình hình.

Cuộc chiến pháp lý thể hiện căng thẳng trên biển, nơi Trung Quốc và Philippines đang đụng độ nhau tại bãi cạn Scarborough và Thomas 2. Tàu Trung Quốc chiếm giữ bãi Scarborough sau hai tháng bế tắc căng thẳng. Đây là cách thức mà các chuyên gia mô tả là chiến thuật chiếm giữ hiệu quả của Bắc Kinh. Với bãi cạn thứ hai, Manila cáo buộc Bắc Kinh xâm lấn khi điều một tàu khu trục và hai tàu chính phủ tới sát một con tàu vận tải hỏng mà Manila để ở bãi Thomas 2 từ năm 1999 để đánh dấu lãnh thổ.

Cuộc chiến ủy nhiệm

Một phái viên châu Á đến từ quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nói: "Chúng tôi đang theo dõi và lo lắng về một sự cố hay hiểu nhầm có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Cho nên, theo một cách nào đó, bạn có thể hiểu cuộc chiến pháp lý lần này giống như một cuộc chiến ủy nhiệm".

Chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng nhất trong khu vực giữa lúc Trung Quốc tăng tốc xây dựng quân sự còn Mỹ thực thi chiến lược "xoay trục" về châu Á. Các nước Đông Nam Á có chủ quyền ở Biển Đông: Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều phản đối cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc coi là chứng cớ lịch sử để tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển.

Trong khi đó, các quan chức quân sự cho hay, nhiều nước châu Âu như Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đang theo dõi diễn biến trên vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới này.

Lo sợ chủ quyền bị đe dọa, các quan chức Philippines nói rằng, không còn chọn lựa nào thay thế cho vụ kiện Trung Quốc.

Đội ngũ pháp lý của Manila đang chuẩn bị các lập luận rằng, yêu sách đường 9 đoạn là vô căn cứ theo Luật Biển. Họ cũng tìm cách làm rõ ràng các giới hạn lãnh thổ theo luật định của những bãi cạn, bãi đá ngầm như bãi Scarborough. Dẫn đầu đội ngũ này là luật sư Paul Reichler đến từ Washington. Ông cho hay, đội ngũ 5 người của ông gồm các giáo sư luật người Anh Philippe Sands và Alan Boyle, chuyên gia Bernard Oxman đến từ trường luật Đại học Miami.

Các chuyên gia pháp lý độc lập đã mô tả đội ngũ này là "xuất sắc" với những kinh nghiệm phong phú về Luật Biển.

Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện, nói rằng nó "không có giá trị pháp lý" và sẽ bác bỏ bất kỳ kết quả nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, Bắc Kinh coi đó là sự vi phạm tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN.

Theo quan chức ngoại giao Philippines, Bắc Kinh đã yêu cầu Manila từ bỏ vụ việc như một điều kiện cho chuyến công du của Tổng thống Benigno Aquino tới Trung Quốc tham dự hội chợ thương mại khu vực.

Chuyên gia hàng hải Clive Schofield cho rằng, yêu cầu từ Ủy ban Trọng tài Quốc tế đòi Philippiness cung cấp các lập luận cho vụ việc có thể là sự thuận lợi. "Nếu tôi ngồi vào vị trí của Philippines hiện tại, tôi sẽ hạnh phúc hơn là ở vị trí của Trung Quốc". Vị giáo sư Đại học Wollongong ở Australia này mô tả tổ trọng tài "không thể chê trách. Họ là những người khó bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị".

Cuối cùng, theo chuyên gia Storey, Philippines có thể nhận "kết quả tốt" từ sự đầu tư của mình. Một phán quyết có lợi sẽ giúp Manila tự tin trong phát triển các vùng dầu khí ở khu vực tranh chấp. "Những công ty nước ngoài cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư ở đây, nơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

Thái An (theo Reuters)