Trùng Khánh - thành phố Bạc Hy Lai từng làm lãnh đạo là một trong những nơi bị tổ chống tham nhũng chỉ trích nhiều nhất do không thực thi đầy đủ biện pháp kiểm tra đội ngũ lãnh đạo.
Ảnh: wordpress |
10 tổ điều tra đã được điều động đi khắp Trung Quốc từ 4 tháng trước đây với nhiệm vụ tìm ra “các vấn đề tham nhũng”. Họ đã kiểm tra các đơn vị ở Trùng Khánh, Nội Mông, Giang Tây, Hồ Bắc và Quý Châu cũng như Bộ Tài nguyên nước, ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, tập đoàn Dự trữ ngũ cốc, Đại học Nhân dân và tập đoàn Xuất bản.
Theo trang web chính thức của Bộ Giám sát và Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), các tổ kiểm tra đã cung cấp thông tin phản hồi về cho ủy ban điều tra cũng như báo cáo lên CCDI về những dấu hiệu tham nhũng.
Mục tiêu chiến dịch lần này là phát hiện tham nhũng, tạo ra bầu không khí “choáng váng và sợ hãi” với các quan chức để hạn chế vấn nạn tham nhũng, ông Vương Kỳ Sơn, phụ trách cơ quan chống tham nhũng trung ương Trung Quốc nói trước khi điều động các tổ điều tra vào giữa tháng 5.
Điểm được để mắt tới nhiều nhất là Trùng Khánh - nơi vẫn nhức nhối vụ bê bối cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, hiện bị kết án tù chung thân do cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Trong bình luận về chính quyền mới của Trùng Khánh, Tô Quang Xuân - phụ trách tổ thanh tra số 5, nói rằng, thành phố đã thất bại trong việc áp dụng các biện pháp kiểm tra và giám sát hiệu quả với các nhà lãnh đạo hàng đầu, một số cán bộ lãnh đạo không có niềm tin chính trị vững vàng và không đạt tiêu chuẩn đạo đức. Ông cũng cảnh báo về “nguy cơ tham nhũng” trong các doanh nghiệp nhà nước ở Trùng Khánh.
Tại tập đoàn Dự trữ ngũ cốc, các thanh tra phát hiện ra tham nhũng tràn lan ở các quan chức cấp thấp, cũng như kẽ hở trong an toàn lao động và các báo cáo sai lạc. Chỉ vài ngày sau khi đoàn kiểm tra bắt đầu công việc tại tập đoàn này vào cuối tháng 5, hỏa hoạn đã xảy ra ở một kho chứa tại Hắc Long Giang, gây tổn thất kinh tế hơn 3 triệu nhân dân tệ. Công chúng đặt câu cỏi liệu hoả hoạn có phải nhằm che đậy kho lưu trữ giả. Tuy nhiên kết luận về sau là do sự cố điện.
Tại tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, thanh tra phát hiện một số quan chức dùng quyền lực đổi lấy tiền. Nhiều vụ tham nhũng liên quan tới các dự án khai thác mỏ, hợp đồng chuyển giao đất sử dụng, một số ban ngành địa phương còn đưa ra con số thống kê giả.
Theo tổ điều tra, ở tỉnh Giang Tây, nhiều quan chức và người thân đã can thiệp vào các dự án xây dựng và tìm kiếm lợi ích cá nhân. Thêm vào đó, một số người còn được thăng chức và đưa vào các vị trí chủ chốt dù từng có “vết” tham nhũng.
Các thanh tra cũng phát hiện ra các mã giao dịch sách không theo quy cách và các hợp đồng trái phép với những công ty tư nhân tại tập đoàn Xuất bản. Tại Trung Quốc, các nhà xuất bản phải cung cấp mã sách trước khi in ấn nhưng các mã này thông thường do những tập đoàn xuất bản quốc doanh quản lý và hầu hết các công ty tư nhân phải mua lại.
Với ngân hàng Xuất nhập khẩu, thanh tra viên tìm ra một số nhân viên sử dụng quyền lực để phê duyệt các khoản vay vì lợi ích cá nhân. "Hoạt động mới nhất của các thanh tra cho thấy quyết tâm của chính phủ trong chống tham nhũng, khi hầu hết các tổ điều tra đều phát hiện ra vấn đề”, Chu Lí Gia, giáo sư Viện Quản trị Trung Quốc đánh giá. Ông cho rằng cần có thêm nhiều chuyên gia bên ngoài tham gia tổ công tác để “tăng cường hiệu quả và sự minh bạch”.
Thái An (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)