Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Công nghiệp quân sự tại Moscow, Trung Quốc sẽ phải hy sinh tới 40% hạm đội hải quân (PLAN) nếu muốn đánh chìm một siêu tàu sân bay kiểu như USS Gerald R Ford của Mỹ.
Ảnh: wordpress |
Giới phân tích cho biết, Trung Quốc gần đây sở hữu một số hệ thống vũ khí hiệu quả có thể sử dụng để chống lại nhóm tàu sân bay Mỹ như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.
Hai tàu khu trục Type 051C và 6 tàu Type 052C của Trung Quốc trang bị các tên lửa chống hạm như YJ-83, C-805 và YJ-62. Những tàu này cũng được coi là mối đe dọa với các tàu sân bay Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thêm vào đó, Trung Quốc đã mua 4 tàu khu trục lớp Sovremenny có tên lửa chống hạm Moskit SSM P-270 của Nga.
Ngoài Liêu Ninh, con tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc sở hữu, PLAN gần đây còn có 15 tàu khu trục Type 054A trang bị tên lửa đất đối không với hệ thống ống phóng thẳng đứng. Có khả năng bảo vệ hạm đội Trung Quốc chống lại máy bay hoạt động trên tàu sân bay Mỹ, tàu khu trục Type 054A còn có thể đánh chìm tàu đối phương với tên lửa chống hạm C-803.
Theo báo cáo của tổ chức nói trên, nếu một nhóm tàu sân bay tác chiến Mỹ tiến vào vùng biển ngoài khơi Trung Quốc, PLAN còn có thể triển khai 10 tàu hộ tống Type 056 và 40 tàu Type 022 gắn tên lửa với chiến thuật du kích trên biển để chống lại Hải quân Mỹ. Cả hai loại tàu này có thể phóng các tên lửa chống hạm như YJ-83 và C-803. Hải quân Mỹ sẽ tổn thất 10% sức mạnh trong khu vực nếu như có một tàu sân bay bị đánh chìm.
Dĩ nhiên, PLAN không thể dễ dàng đánh chìm tàu Mỹ. Theo tạp chí Forbes, Mỹ đã triển khai những biện pháp ứng phó để bảo vệ hàng không mẫu hạm của mình khỏi các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Trong khi các máy bay không người lái tầm xa có khả năng phá hủy những cơ sở tên lửa Trung Quốc, máy bay chiến đấu F-35 sẽ giúp tàu Mỹ có thể tác chiến mà không cần tiến vào bờ biển Trung Quốc.
Tổ chức tại Moscow ước tính, khoảng 30-40% tổng sức mạnh hải quân của Trung Quốc sẽ tổn thất trong nỗ lực tiêu diệt chỉ một tàu sân bay Mỹ. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của Hải quân Mỹ tại một cuộc xung đột có thể xảy ra với PLAN là làm cách nào triển khai được 11 tàu sân bay, 88 tàu tác chiến bề mặt, 55 tàu tuần duyên và 31 tàu tấn công đổ bộ tới Tây Thái Bình Dương trong thời gian ngắn.
Mới đây, tại một xưởng đóng tàu, Mỹ đã thử nghiệm thành công tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford được đóng từ năm 2009. Tàu USS Gerald R. Ford có chiều dài khoảng 340 m, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi hoạt động, chiến hạm này sẽ tiêu tốn chi phí khoảng 12,8 tỷ USD, khiến nó trở thành vũ khí quân sự đắt nhất từ trước đến giờ của Hải quân Mỹ. Tàu có thể chở được 90 máy bay với hơn 220 lần cất cánh mỗi ngày.
Dự kiến đến năm 2058, hải quân Mỹ sẽ đóng 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ford để thay thế cho các tàu thuộc lớp Nimitz. Các tàu sân bay lớp Ford được thiết kế có độ choán nước 100.000 tấn, giống như tàu sân bay USS George HW Bush lớp Nimitz trước đó, nhưng chỉ cần từ 500 đến 900 nhân viên phục vụ. Các tàu sân bay này được ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, có thể cắt giảm được khoảng 30% nhân công phục vụ trên tàu so với lớp Nimitz.
Siêu tàu sân bay mới được trang bị một kho vũ khí rất hiện đại, được thiết kế để dự trữ các tên lửa, đạn pháo cho máy bay, bom và tên lửa không đối đất cho máy bay tiêm kích, thủy lôi cho các máy bay tác chiến chống ngầm.
Hệ thống nạp vũ khí cho máy bay sử dụng hệ thống hoàn toàn tự động, có chức năng mang vũ khí từ kho và tự lắp đặt vào các máy bay. Quá trình lắp vũ khí này chỉ mất vài phút, trong khi việc lắp vũ khí cho máy bay trên các tàu lớp Nimitz mất hàng giờ. Nhờ đặc điểm nổi trội đó, chiến đấu cơ trên tàu sân bay lớp Ford có thể đạt 160 lượt xuất kích mỗi ngày, đỉnh điểm có thể đạt 270 lượt so với 120 lượt của thế hệ tàu Nimitz.
Thái An (theo
wantchinatimes)