- Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp tổ QH sáng 24/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường là ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Ông Phạm Quang Nghị cho rằng:

Sự việc không chỉ vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc mà ngay cả mặt lý trí để xử lý hậu quả sau khi sự việc xảy ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người suy nghĩ được, cho nên mức độ gây chấn động xã hội quá lớn.

Quan điểm xử lý vụ việc này của ông?

Việc xử lý phải đồng bộ, cương quyết, để không những xử lý được việc này mà cảnh báo, răn đe.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi họp tổ QH sáng 24/10.Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi nghĩ báo chí ngoài việc thông tin miêu tả, phân tích nguyên nhân thì làm sao phải có định hướng cho dư luận xã hội để người dân nhìn nhận sự việc với những phạm trù đạo đức, không cho những sự việc tương tự xảy ra nữa.

Ví dụ một người thầy thuốc dù không cố ý để xảy ra hậu quả xấu, nhưng xảy ra rồi thì phải ứng xử ra sao, chứ không thể xử sự như vừa rồi (bác sĩ Tường).

Vậy cái này trách nhiệm thuộc về ai? Sáng nay trên đường đi làm tôi đọc báo, thấy có bài báo nói trách nhiệm này thuộc về tất cả.

Thứ nhất là hệ thống quản lý, cơ chế chính sách hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, cấp phép như thế nào, kiểm tra cấp phép ra sao.

Đôi khi cấp phép một đằng nhưng những người thực hiện ở cơ sở y tế lại chuyển sang việc khác, cơ sở này thì chưa được cấp phép để làm kỹ thuật thẩm mỹ nhưng lại tự ý mình làm.

Dù người bác sĩ này có tay nghề chuyên môn vững thì cũng phải có một hệ thống trang thiết bị, rồi những người giúp việc am hiểu về chuyên môn thì mới làm được việc ý, chứ không thể mình anh ta làm được.

Rõ ràng việc này nếu thực hiện trong bệnh viện hiện đại thì chưa chắc đã xảy ra chết người, nhờ những phương tiện cấp cứu kịp thời.

Báo chí và dư luận cũng ít đề cập đến việc cẩn khi lựa chọn dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người, đây là việc quan trọng, nhưng lựa chọn xem ra cũng bất cẩn, thiếu cẩn thận.

Hà Nội là địa bàn xảy ra việc này, nhưng nhiều cơ quan ban ngành phải cùng có trách nhiệm xử lý, thậm chí cả cơ chế chính sách lâu nay tạo ra sự thông thoáng để người dân lựa chọn dịch vụ y tế thì cũng phải tính lại xem giới hạn đến đâu là vừa, cái gì được, cái gì không được phép.

Ông có chỉ đạo gì đối với các cơ quan chức năng của Hà Nội sau khi xảy ra vụ việc này?

Bây giờ tất cả các khâu đều phải rà soát lại hết.

Ví dụ như quảng cáo, những người đăng quảng cáo đó có chịu trách nhiệm không, có thẩm tra xem cơ sở y tế đó có chất lượng chuyên môn, thiết bị có đúng như thế không, hay người ta cứ gửi tiền đến là đăng thôi?

Quảng cáo về y tế phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn... Cho nên mọi thứ phải kiểm soát lại.

Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm, bao gồm cả UBND, nhưng ủy ban không cấp phép cái này, cơ sở này Sở Y tế cũng chưa cấp phép, thế nên không thể nói trách nhiệm của một cá nhân nào.

Ông này là bác sĩ bệnh viện, bị quản lý hành chính nhưng lại đi làm thêm vào ngày thứ 7.

Chúng ta cũng muốn để cho bác sĩ ngoài giờ làm việc có thể làm ngoài, nhưng làm đến mức độ nào thôi... Những việc hệ trọng liên quan đến sức khỏe con người thì phải thực hiện ở bệnh viện hiện đại, chứ không thể chỉ vài ba con dao mổ, vài ba dụng cụ y tế là một người thầy thuốc có thể làm mọi thứ.

C.Quyên ghi