- Khắp nơi trên thế giới, những bệnh viện chẩn đoán sai căn bệnh của bệnh nhân, hay tắc trách truyền máu nhiễm HIV cho người bệnh... đã gây những bê bối chấn động dư luận. Hậu quả là người đứng đầu ngành thường mất chức, chính phủ phải gấp rút thực hiện các biện pháp cải tổ.
Trước quốc hội Anh, Thủ tướng David Cameron xin lỗi vì những sai phạm ở NHS và bệnh viện Stafford khiến cả nghìn người chết vì không được chăm sóc y tế đúng mức. Ảnh: BBC |
Ảrập Xêút ngày 12/2/2013. Bé Reham al-Hakimi được gia đình đưa đến bệnh viện TP Jizan để truyền máu. 1h sau, bệnh viện thông báo cho gia đình một tin sét đánh: Họ đã truyền máu nhiễm HIV cho bé.
Ngay lập tức, làn sóng phản ứng mạnh mẽ dấy lên trên các phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền quốc gia yêu cầu nhà chức trách điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân cùng gia đình, đồng thời đòi bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu.
5 ngày sau, Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah phải từ chức, đồng thời, bộ này cũng sa thải 7 quan chức
y tế cấp cao tại Jazan.
Chile, tháng 10/2008. Bộ trưởng Y tế - bà Maria Soledad Barria - đã từ chức sau vụ một bệnh viện hẻo lánh chẩn đoán HIV sai cho nhiều bệnh nhân.
Trả lời phóng viên, bà Barria nói quyết định từ nhiệm là "không muốn gây ra chướng ngại vật trước những nỗ lực nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chính phủ". Trước khi từ chức, bà Barria đã sa thải một số nhà quản lý và nhân viên trong bệnh viện ở Iquique, phía bắc Chile.
Nhật Bản, những năm 1980. Dư luận đã bàng hoàng trước một vụ truyền máu nhiễm HIV mà người dân nước này gọi là Yakugai eizu Jiken với hậu quả khoảng 2.000 người bị bệnh chảy máu nhiễm HIV. Những mẫu máu không qua xử lý nhiệt để vô trùng do những người làm việc trong Bộ Y tế tắc trách.
Từ tháng 5 - 10/1989, những người nhiễm HIV qua truyền máu ở Osaka và Tokyo chính thức phát đơn kiện Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội cùng 5 công ty dược phẩm Nhật Bản và bác sĩ Abe Takeshi, Giám đốc Trung tâm AIDS của Bộ Y tế.
Sau 9 tháng điều tra, người ta đã có trong tay các chứng cứ. Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận sai lầm và chính thức xin lỗi những người bị hại. Những người đứng đầu Bộ Y tế và Phúc lợi, giám đốc các công ty cung ứng máu bị buộc tội ngộ sát. Bác sĩ Abe từ chức.
Tháng 2/2013. Nước Anh đã chấn động bởi bản báo cáo về hoạt động của Cơ quan Dịch vụ y tế công NHS. Đây là đầu mối chi trả các hóa đơn thuốc thuộc diện có bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan này không thể kiểm soát nổi giá thuốc, và sẵn sàng buông lỏng cho 20.000 loại dược phẩm lưu hành trôi nổi trên thị trường, nằm ngoài danh mục đăng ký của Bộ Y tế để trục lợi, khai khống giá bán lẻ nhằm ăn chặn hoa hồng.
NHS còn chỉ đạo giảm chi ngân sách vô tội vạ. Dựa vào sự chỉ đạo này, bệnh viện thành viên Stafford tung ra chiến dịch “cân bằng ngân sách” một cách khắc khổ: quy định chỉ 1 điều dưỡng cho 20 bệnh nhân, sa thải 160 điều dưỡng, tuyển dụng những nhân viên y tế không qua đào tạo chính quy để chỉ phải trả mức lương thấp nhất.
Trong vòng 50 tháng từ tháng 1/2005 đến tháng 3/2009, khoảng 1.200
bệnh nhân tại bệnh viện Stafford đã chết do không được chăm sóc đúng mức.
Ngay sau đó, trước Quốc hội Anh, Thủ tướng David Cameron đã chính thức xin lỗi về vụ việc xảy ra và công bố hàng loạt biện pháp cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân, nâng cao trách nhiệm trong bệnh viện và xử lý "văn hóa tự mãn" trong NHS.
Ông Cameron nói, có ba vấn đề nổi trội về văn hóa của NHS: Tập trung
vào tài chính và con số hơn là chăm sóc bệnh nhân; xem chăm sóc bệnh nhân "luôn
là vấn đề của người khác" và có khuynh hướng tự mãn.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh: "Tôi xin
lỗi các gia đình đã bị tổn thương bởi cách mà hệ thống này cho phép sự lạm dụng
quá lâu, không được kiểm soát. Thay mặt chính phủ và đất nước, tôi
thực sự xin lỗi".
Thái An tổng hợp