- Bộ Công thương cho biết có 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Những địa phương càng nghèo thì càng có nhiều dự án.

Lào Cai có 55 dự án bị loại

Trong số 424 dự án bị loại bỏ có 418 dự án thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền quy hoạch của địa phương, nằm ở 27 tỉnh thành.

Điểm đáng chú ý là địa phương càng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì số lượng dự án thủy điện càng lớn, số bị loại bỏ khỏi quy hoạch hoặc bị tạm dừng/chưa đầu tư xây dựng trước năm 2015 cũng chiếm nhiều nhất trong số các tỉnh thành còn lại.

{keywords}

ĐB Danh Út. Ảnh: Minh Thăng

Có thể lấy ví dụ về tỉnh Lào Cai. Địa phương này có nhiều dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch nhất (55 dự án) vì nhiều nguyên nhân khác nhau (quy mô nhỏ nên chưa có nhà đầu tư, không đảm bảo hiệu quả đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư đã 4 năm nhưng chưa khởi công…).

Tiếp đến là Yên Bái với 41 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch và 13 dự án bị tạm dừng.

Trong danh sách các dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch thì Lâm Đồng xếp thứ 3 với 40 dự án, Kon Tum 34 dự án, Hà Giang 27 dự án, Quảng Nam 22 dự án và Nghệ An đứng thứ 7 với 21 dự án.

Các địa phương này cũng còn một loạt các dự án thủy điện khác bị tạm ngưng, chưa đầu tư xây dựng trước năm 2015.

Theo quy định tại khoản 2, điều 94 luật Điện lực (sửa đổi tháng 11/2012) thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực của địa phương, trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Công thương phê duyệt.

Việc loại bỏ một loạt dự án thủy điện khỏi quy hoạch gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước đã đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng quy hoạch thủy điện hiện nay và trách nhiệm của những người đưa ra quy hoạch này.

Tại phiên họp của UB Khoa học, công nghệ và môi trường của QH sáng 26/10, ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An đã đề nghị xem lại trách nhiệm thẩm định, phê duyệt của các hội đồng, kể cả người ký. “Ai phê duyệt sai thì nghỉ hưu rồi vẫn phải chịu trách nhiệm”, bà An nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, các dự án thủy điện nhỏ do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước làm chủ đầu tư nên thiếu kinh nghiệm xây dựng công trình thủy điện, chưa đáp ứng đủ năng lực kháo sát, thiết kế, thi công, giám sát, v.v… Cùng với yếu kém trong quản lý Nhà nước, tình trạng này đã khiến xảy ra nhiều sự cố về công trình thủy điện trong thời gian qua gây thiệt hại cho công trình, đe dọa tính mạnh tài sản người dân, ảnh hưởng đến các công trình khác.

Phá gần 20.000 ha rừng, mới trồng lại 735 ha

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2006 đến 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích rừng bị phá là 19.792ha.

Tuy nhiên, cho đến nay diện tích rừng trồng thay thế mới chỉ được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Dự án thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) phá 700 ha rừng nhưng mới chỉ trồng được 15ha rừng thay thế, số còn lại đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn đang báo cáo là “đã có phương án, đang tìm đất hoặc sẽ nộp tiền trồng rừng thay thế”.

Dự án thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) phá hơn 2.500 ha rừng nhưng chưa trồng lại được cây nào, chủ đầu tư chỉ báo cáo ngắn gọn là “đã có kế hoạch”.

Việc trồng rừng ở những nơi đã được trồng thay thế cũng có “vấn đề” như ĐB Hà Sơn Nhin (Bí thư tỉnh ủy Gia Lai) nêu là có nhà máy thủy điện xây ở Hòa Bình, Sơn La nhưng rừng trồng thay thế lại ở… Thái Bình!

ĐB Danh Út (Phó trưởng ban Dân nguyện) còn nghi ngờ: “Số liệu trồng rừng thay thế cần báo cáo thêm, thực tế có đúng như chúng ta báo cáo không?”.


ĐBQH Danh Út cho biết người dân miền núi đã hi sinh rất lớn cho thủy điện.

“Thủy điện Hòa Bình xây 40 năm rồi mà có đồng bào giờ vẫn chưa ổn định, có nơi đồng bào nhường đất cho thủy điện nhưng không có điện dùng. Đồng bào dân tộc được cấp đất, nhưng đất đó không sản xuất được, nhà cửa kiên cố đồng bào bỏ về hết, vì không có nước, không phù hợp với tập quán sinh hoạt của họ”, ông nói.

Cẩm Quyên