- Hơn 2 năm qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ngành ngoại giao đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức gay gắt, phải hóa giải nhiều “bài toán" khó. Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn, trong đó phải kể đến nỗ lực xử lý quan hệ với các nước lớn, các nước trong khu vực và đặc biệt đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 nước chỉ riêng trong năm 2013.

Những xử lý quan hệ với Trung Quốc dường như đã trở thành bài toán quan trọng và hóc búa nhất khi quan hệ song phương toàn cục Việt Nam và Trung Quốc bị chi phối bởi những căng thẳng liên quan chủ quyền biển đảo, tàu cá và ngư dân trong hai năm qua.

Song cho đến giữa 2013 trở đi, dư luận đã chứng kiến những bước phát triển nồng ấm trong quan hệ Việt - Trung với việc hai nước trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng 10 vừa qua.

Một “thử thách” lớn khác đối với ngành ngoại giao trong năm 2012 được nhớ đến, đó là quan hệ giữa các nước trong ASEAN diễn biến phức tạp, gây lo ngại về nguy cơ chia rẽ và suy yếu trong nội bộ ASEAN, thử thách lòng tin quan hệ các nước là vấn đề Biển Đông.

{keywords}

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) trao đổi với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters


Song, Việt Nam đã nỗ lực cùng các thành viên ASEAN góp phần củng cố sự hợp tác và đoàn kết nội khối, giữ vững tiếng nói chung của ASEAN trong nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn bên ngoài, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Một trong những dấu ấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam, đó là chỉ riêng trong năm 2013, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với một loạt nước ở khu vực và trên thế giới.

Lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 3 nước thành viên ASEAN và tất cả 5 nước thành viên thường trực HĐBA.

VietNamNet trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về một trong những dấu ấn đối ngoại nổi bật nhất trong năm này:
 

Ông cho biết:


Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên với LB Nga từ năm 2001. Từ đó đến nay, trong 13 năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước. Nhưng riêng trong năm nay là 5 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Đó là Pháp, thành viên thường trực của HĐBA LHQ, 3 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Chúng ta xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với Mỹ - cũng là thành viên thường trực của HĐBA. Như vậy Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với tất cả 5 nước thường trực HĐBA LHQ.

Điều này thể hiện vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam gia tăng trên trường quốc tế. Ngay ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước của HĐBA LHQ và các nước lớn.

Đối tác chiến lược thể hiện mức cao hơn sự tin cậy chính trị, quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng hơn. Đối tác chiến lược bao hàm cả quan hệ về an ninh, quốc phòng sâu sắc.

Danh sách đối tác chiến lược của Việt Nam khá đa dạng, gồm hầu hết các đối tác chủ chốt hiện nay của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, nên hiểu đối tác chiến lược mang nội hàm có sức nặng như thế nào hay nó chứa đựng sự đặc biệt nào khi đem tương quan so sánh quan hệ của Việt Nam với quan hệ các nước khác?

Quan hệ được đánh giá qua các mức độ của tên gọi. Cao nhất là đồng minh, liên minh, tiếp đến quan hệ bình đẳng thì có đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay Việt Nam có 2 nước đối tác chiến lược toàn diện là Nga và Trung Quốc - cũng là mức quan hệ cao nhất mà Việt Nam thiết lập với đối tác quốc tế.

{keywords}
Bộ trưởng Phạm Bình Minh:

Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với tất cả 5 nước thường trực HĐBA LHQ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đối với LB Nga, các khía cạnh hợp tác bao trùm chính trị, kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng… Với Trung Quốc, Việt Nam xây dựng mối quan hệ chiến lược trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, văn hóa, giáo dục, nhân dân…

Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước nhằm đưa quan hệ với những nước có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới đi vào thực chất, sâu, bao trùm hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Có thể hiểu như mức cao hơn so với các nước khác.

Tùy từng đối tác chiến lược cũng có nhấn mạnh nổi bật mặt này hoặc mặt kia. Đối với Anh, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh hợp tác chiến lược về kinh tế, giáo dục. Pháp cũng tương tự với chú trọng đẩy mạnh kinh tế, thương mại, giáo dục và một số lĩnh vực thế mạnh của Pháp như năng lượng, vũ trụ, hàng không.

Với Nhật Bản, ta chủ trương đẩy mạnh tập trung vào vấn đề kinh tế thương mại. Hàn Quốc cũng vậy.  

Người dân quan tâm hai đối tác chiến lược toàn diện là LB Nga và Trung Quốc. Quan hệ với hai nước này có gì đáng chú ý thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Với LB Nga, ngày 12/11 tới, Tổng thống V.Putin sẽ thăm Việt Nam - chuyến thăm cấp cao đáng chú ý trong bối cảnh hai nước đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm 2012.

Dự kiến trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, hai nước sẽ ký kết nhiều hiệp định nhằm tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quốc phòng.

Với Trung Quốc, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, hai bên đã thảo luận giải quyết những vấn đề khác biệt liên quan Biển Đông.

Bộ trưởng lý giải vì sao Mỹ - một trong những nước lớn, thành viên thường trực quan trọng của HĐBA LHQ nhưng hai bên mới chỉ xác lập khuôn khổ đối tác hợp tác toàn diện. Có thể hiện nay chưa có đủ điều kiện để hướng tới đối tác chiến lược nhưng trong tương lai hai nước có hướng tới không?

Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ từ 1995 đến nay cho thấy những gì hai nước đã thiết lập đã có những bước tiến dài. Từ chỗ là kẻ thù đến bình thường hóa quan hệ, và giờ trở thành đối tác hợp tác toàn diện.

Với chiều tiến thì không gì nghi ngờ việc hai nước có thể đạt tới những tầm mức quan hệ cao hơn. Theo tôi, mức độ quan hệ của hai nước hiện nay xác lập phản ánh đúng thực chất quan hệ đang có. Nhất là khi hai nước đang đặt tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật. Còn những lĩnh vực chưa đạt sẽ là biên độ để hai nước phấn đấu tiếp trong tương lai.

Linh Thư - Hồng Nhì