Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân  thăm chính thức Việt Nam từ 16-17/1.


Thủ tướng Nhật Shizo Abe. nh: The Guardian

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Shinzo Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng nội các Nhật Bản và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng sau chuyến thăm hồi tháng 11/2006 trong nhiệm kỳ trước.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cho biết hiện nay, tại Nhật Bản, chính sách ngoại giao và chính sách kinh tế được đặt lên hàng đầu. Việt Nam đối với Nhật Bản là nước quan trọng, do đó, Thủ tướng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình.

Nhật Bản và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược từ năm 2006 do chính Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký kết. Từ đó đến nay, tình hình quốc tế, khu vực đã có nhiều thay đổi, tình hình kinh tế của hai nước cũng có những yếu tố mới.

Theo Đại sứ, Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Việt Nam lần này nhằm tạo dựng mối quan hệ giữa hai nước phù hợp với tình hình mới. Dư luận và người dân Nhật Bản rất quan tâm đến chính sách mà Thủ tướng Abe sẽ thực hiện, do đó, khi Thủ tướng Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài cũng nhận được sự quan tâm của người dân và phù hợp với tình hình quan hệ hai nước. Chuyến thăm được coi như điểm bắt đầu cho những hợp tác tốt đẹp sau này giữa hai nước sẽ tiếp tục được triển khai.

Nhân dịp này, hai Thủ tướng sẽ tuyên bố khai mạc năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013 kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Abe trở lại Đông Nam Á

Theo giới phân tích, với một vị thủ tướng có quan điểm cứng rắn như Abe thì trong chuyến đi này, ông mong muốn xiết chặt quan hệ với khu vực, muốn họ góp phần tạo ra đối trọng với sức mạnh kinh tế, quân sự Trung Quốc ở thời điểm Nhật cần những nguồn lực mới để thoát khỏi sự trì trệ kinh tế cũng như tăng cường vai trò quân sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, ông Abe sẽ cần phải thận trọng trong chuyến công du tới Indonesia, Thái Lan và Việt Nam tuần này để tránh khiêu khích Trung Quốc hay khiến Bắc Kinh lầm tưởng về một sự "kiềm chế".

Bắc Kinh cũng đang "lùng sục" khắp khu vực để tìm kiếm đầu tư và những cơ hội thương mại mới và cả nguồn nguyên liệu thô nhưng có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực với nhiều nước Đông Nam Á ở Biển Đông, với Nhật Bản ở Hoa Đông.

"Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng củng cố quan hệ với các nước khác trong khu vực và tăng cường sức mạnh đàm phán trước khi hội đàm với Trung Quốc", Narushige Michishita, giáo sư ĐH Quốc gia Nhật cho biết.

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác an ninh với liên minh chủ chốt Mỹ, ông Abe từng dự kiến tới Washington đầu tiên sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành thắng lợi trong bầu cử. Nhưng vì Tổng thống Barack Obama quá bận rộn nên ông đã khởi đầu chuyến công du nước ngoài sau khi trở thành thủ tướng là các thành viên của ASEAN.

Hiện tại, các công ty Nhật Bản đã hướng tới Đông Nam Á như một chọn lựa đầu tư mới sau khi tranh chấp Trung - Nhật ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Bản thân ông Abe tuyên bố rõ rằng, kế hoạch hội nhập 2015 của ASEAN tạo thành một khối với giá trị kinh tế 2 nghìn tỉ USD và dân số 600 triệu người, là sức hút lớn cho một nền kinh tế Nhật mắc kẹt trong tình trạng giảm phát nhiều thập niên, còn dân số thì ngày càng già hóa và sụt giảm.

Ông cũng khẳng định, ông muốn đi xa hơn quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Ông có thể đưa ra một bài phát biểu chính sách tại Jakarta.

Chia sẻ các giá trị

"Con đường của Nhật Bản kể từ khi Thế chiến II chấm dứt là bảo vệ vững chắc các giá trị dân chủ, nhân quyền và thúc đẩy các quy định pháp luật", Thủ tướng Abe nói với truyền hình NHK. "Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước, đó là chia sẻ các giá trị ấy".

Ông cũng nhắc lại rằng, ông muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh cho dù giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo, ông cần thận trọng để không khiêu khích Trung Quốc, cũng không đẩy các nước Đông Nam Á vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi những quốc gia này ngày càng có nhiều ràng buộc kinh tế với Trung Quốc.

Ông Abe sẽ phải trấn an các nước ông tới rằng, ông sẽ không để chuyện tranh chấp với Trung Quốc vượt qua tầm kiểm soát cho dù ông có lập trường an ninh cứng rắn và mông muốn tăng cường sức mạnh quân sự Nhật.

"Thủ tướng Nhật không nên để tranh chấp ảnh hưởng tới các nước trong khu vực, ông nên tập trung vào phát triển kinh tế hơn là để cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn", Damrong Kraikuan, phụ trách ban nghiên cứu Đông Á thuộc bộ Ngoại giao Thái Lan nói.

Ưu tiên kinh tế

Nhật vẫn có ảnh hưởng kinh tế to lớn trong ASEAN chiếm tỉ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hàng lớn nhất, sau EU và hầu như gấp ba lần Trung Quốc. Đây là vị trí mà Nhật muốn duy trì tại một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

"Nhật Bản lo ngại về thị phần mất đi vào tay Trung Quốc trong thương mại và đầu tư", Jayant Menon, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết. "Chuyến thăm này chuyển tải bức thông điệp quan trọng ấy".

Tại Việt Nam, Nhật Bản cam kết đầu tư 4,9 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm ngoái, gần gấp đôi so với toàn bộ năm 2011. Ở Thái Lan, từ tháng 1-9, đầu tư nước ngoài tăng gần gấp ba vào khoảng 8,1 tỉ USD. Còn ở Indonesia, đầu tư trực tiếp trong năm ngoái được coi là một con số kỷ lục.

Nhật cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN trong năm 2011 (chỉ sau Trung Quốc).

Thái An (theo TTXVN - Reuters)