Đó có thể là một học thuyết của Obama chăng? “Không khắc trong đá” có nghĩa là sự việc có thể thay đổi.

Trong phát biểu bảo vệ việc Mỹ dẫn đầu cuộc tấn công của liên quân vào Libya, Tổng thống Obama đã phác thảo chi tiết nhất mà ông có thể áp dụng cho quân đội Mỹ trong một thế giới đầy hỗn loạn.

Ông sẽ hành động, ông tuyên bố, nếu lợi ích an ninh sống còn của quốc gia bị đe dọa. Ông sẽ cân nhắc nếu lợi ích kinh tế lâm nguy hay xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc khó có thể bỏ qua. Nhưng trong cả hai trường hợp này, ông sẽ do dự trừ phi đó là sự can thiệp quốc tế và chi phí không quá cao.

Thủ đô Tripoli, Libya chìm trong khói lửa. Ảnh: Getty Images
Tình hình hiện tại dường như được “dựng sẵn” cho Libya, và Tổng thống Mỹ không cung cấp nhiều chỉ dẫn về vị trí nào ông sẽ nắm giữ khi nhiều quốc gia quan trọng hơn trong khu vực giờ đây đang sục sôi bởi phong trào nổi dậy với tên gọi “Mùa xuân Ảrập”.

Trong bài phát biểu vào sáng 29/3 (giờ Việt Nam), Obama tuyên bố Washington không thể tiếp tục gánh chịu những phí tổn tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến ở Iraq thông qua việc tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự lật đổ lãnh đạo Libya Gaddafi. Bài phát biểu này không đủ làm rõ việc liệu Tổng thống Mỹ có sử dụng sức mạnh can thiệp ở những điểm nóng khác hay không.

Obama khẳng định việc can thiệp vào Libya là nhằm bảo vệ những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy. Ông cũng khẳng định, khi NATO tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân ở Libya từ ngày 30/3, Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, tình báo, tìm kiếm cứu nạn...

“Nếu có một bài phát biểu dành riêng để xóa bỏ ý tưởng của một học thuyết, thì đây chính là nó”, David J. Rothkopf, tác giả cuốn sách “Thế giới đang chuyển động: Câu chuyện bên trong Hội đồng An ninh Quốc gia và Những kiến trúc sư của Sức mạnh Mỹ”, nói. “Căn bản ông ấy đã nói rằng, chúng ta có các giá trị Mỹ và chúng sẽ định nghĩa chúng ta, chúng ta sẽ đi theo những giá trị ấy, chỉ miễn là không quá khó để làm điều này”.

Một số cố vấn của Obama thì cho rằng, ông đã cố tình tránh việc biến Libya trở thành một trường hợp để nghiên cứu quan điểm về chính sách đối ngoại của ông, coi nó không phải là sự sống còn với lợi ích Mỹ trong khu vực và chính quyền của ông đang giảm bớt vai trò của Mỹ trong cái mà họ gọi là sứ mệnh do NATO dẫn dắt. Việc sử dụng hạn chế không lực tại Libya không gọi là cách thức truyền cảm hứng hay tuyên bố khẳng định vai trò, và chuẩn mực Libya có thể không áp dụng cho những phần còn lại của thế giới.

Trên thực tế, sự mô tả của Obama trong “chuẩn” can thiệp quân sự có bóng gió chút ít những gì ông có thể làm tại Bờ Biển Ngà, nơi LHQ ước tính ít nhất 700.000 người rời bỏ nhà cửa ở Abidjan để thoát khỏi súng đạn hàng ngày do nỗ lực níu giữ quyền lực của Laurent Gbagbo sau khi thất bại trong một cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, cũng là nơi 10.000 dân thường chen chúc ở cơ sở Công giáo trong một thị trấn, lánh nạn khỏi các lực lượng của Gbagbo.

Nhưng điều này lại không dễ dàng áp dụng với Darfur, khi chính phủ Sudan bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an bằng cách ném bom vào quân nổi dậy, nơi LHQ ước tính ít nhất 300.000 người đã chết trong cuộc khủng hoảng nhân đạo khi bất ổn bắt đầu từ 2003.

Với những phần còn lại của Trung Đông, quan chức Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống của họ sẽ phản ứng với các tình hình phát sinh dựa trên điều kiện căn bản của từng nước và sẽ phản đối việc áp dụng một “chuẩn duy nhất” cho chính sách Mỹ. Trong bài phát biểu của mình, Obama nói “gánh nặng hành động không nên riêng mình Mỹ đảm trách”, cần có sự chung sức đa phương và rằng, thay đổi chế độ không nên là nhiệm vụ của quân đội Mỹ.

Theo giới phân tích, bất luận tranh cãi về điều gì thì bài phát biểu 28 phút của Obama cũng thể hiện về một vị tổng thống rất thực tế, không nhiều ý thức hệ như một số người tiền nhiệm và giàu khả năng cân băng các vấn đề hơn, bao gồm cả chuyện ngân sách và phân tích những lợi ích Mỹ.

Không có học thuyết Obama vì tổng thống không lý thuyết”, Robert S. Litwak, phó chủ tịch tại Trung tâm Woodrow Wilson nói. “Ở Libya, ông đang phải vật lộn với những căng thẳng cố hữu trong chính sách ngoại giao Mỹ để có thể quản lý nhưng không giải quyết được - đó là đấu tranh giữa chủ nghĩa đa phương và đơn phương, là đối mặt với thách thức nhân đạo ăn sâu bám rễ”.

Cho dù bài phát biểu của Obama không được coi là cách đưa ra một học thuyết mới, nhưng rõ ràng là các tướng lĩnh, nhà hoạch định quân sự đã được hưởng lợi khi nghe chi tiết cách thức mà Obama bàn thảo về khi nào, như thế nào và lợi ích gì cho việc mạo hiểm cuộc sống của binh lính.

“Đó là bài phát biểu hợp lý thể hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng với Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh chỉ huy, nhưng lại không phải là sự hiệu chỉnh quá lớn chiến lược quân sự quốc gia”, Đô đốc Timothy J. Keating, người đã nghỉ hưu sau khi đảm nhận vị trí quan chức cấp cao giám sát hai trụ sở chiến đấu của quân đội Mỹ là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh phương Bắc, đánh giá.

Gary Hart, cựu nghị sĩ Dân chủ mô tả, Libya như “bộ mặt của xung đột thế kỷ 21” và lập luận rằng, bạo lực ở đó chứng tỏ đây là lúc Obama cần phát biểu về một bộ quy tắc chiến lược. “Trong làn sóng của Libya, giờ đây là lúc rất thích hợp để Tổng thống Obama tuyên bố một “học thuyết Obama”, tương tự như Học thuyết Truman năm 1947, nhằm đưa ra các điều khoản và điều kiện Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của mình”, ông Hart viết trong một bức thư điện tử. “Chúng ta không thể đơn giản phản ứng với các cuộc khủng hoảng địa phương và khu vực. Một bộ quy tắc về sự can thiệp sẽ khiến người dân Mỹ và các đồng minh ý thức về mục đích và bối cảnh cho hành động của chúng ta”.

  • Thái An (Theo Nytimes)