- Đồng tình chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh và những điều chỉnh của Chính phủ, song các ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu không lãng phí các nguồn lực trong bối cách khó khăn hiện nay.

Thấy nhiều dự án Chính phủ báo cáo QH bị kéo dài, trong đó có đường Hồ Chí Minh, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) đánh giá nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ông Sang đề nghị Chính phủ phân tích thật rõ có đảm bảo về nguồn vốn hay không.

"Giai đoạn 2 còn thiếu đến 62 ngàn tỷ đồng, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn từ Trái phiếu CP và vốn theo hình thức BT, nhưng rồi cũng phải dùng ngân sách để trả cho nhà đầu tư, sẽ gây khó khăn về ngân sách, thậm chí nợ công từ đây mà tăng", ĐB Lê Trọng Sang nói. "Giai đoạn 3 thì còn chưa đặt vấn đề về vốn, hình như Chính phủ còn lúng túng, thế thì triển khai tiếp thế nào khi quy hoạch, thu hồi đất đều sẽ cực kỳ khó khăn về vốn?"

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Vẻ: Lần điều chỉnh này đã ổn định chưa?

Một số ĐB đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về quyết toán giai đoạn 1 và giải trình sự chênh lệch về đầu tư so với ban đầu. Vì như ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) băn khoăn, "lần điều chỉnh này chưa chắc đã ổn định vì thực tiễn có nhiều phát sinh khó lường".

Việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh từ 2-8 làn xe xuống còn 2-6 làn xe đối với đường Hồ Chí Minh cũng được các ĐB xem xét trên quan điểm chống lãng phí.

ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) phân tích: Cùng với đường Hồ Chí Minh, ta cũng đang triển khai các dự án về đường cao tốc Bắc Nam, đường quốc lộ 1A và đường tuần tra biên giới, trong tương lai dọc tuyến này sẽ có 16-24 làn xe song song khai thác.

"Theo tôi thế là thừa công suất", ông Học nói. "Chi phí làm đường của ta đắt gấp rưỡi, gấp đôi thế giới mà làm nhiều nhiều đoạn trùng nhau như vậy?"

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH đồng tình giảm số làn xe của đường Hồ Chí Minh: Trước mắt chỉ khoảng 2-4 làn xe, nhiều nhất chỉ 4-6 thôi, không thể đến 8 làn xe được.

{keywords}

ĐB Lê Văn Học: " Chi phí đắt mà làm nhiều nhiều đoạn trùng nhau vậy?".

Tuy vậy, ĐB Đỗ Văn Vẻ trao đổi lại: Giảm số làn đường thì nhanh, nhưng sau này khi mật độ giao thông tăng lên, cần mở rộng thì lại khó và tốn kém.

"Kinh nghiệm thế giới là tính toán hết các yếu tố lâu dài để cân nhắc kỹ có cần giảm số làn xe không hay cố gắng giữ 8 làn như thiết kế ban đầu", ĐB Thái Bình nói.

Ông Đỗ Văn Vẻ cũng cho rằng nên cố gắng rút ngắn thời gian làm đường Hồ Chí Minh để hiệu quả, tránh lãng phí.

C.Hoàng - T.Lâm - L.A.Dũng