- Ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh cùng được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, sử dụng ngoại ngữ, có nhiều kinh nghiệm công tác qua các vị trí.
Sáng nay, QH bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Bộ trưởng: Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh vào chức Phó Thủ tướng. Kết quả kiểm phiếu được công bố ngay trong buổi sáng.
Kinh nghiệm địa phương
Dự kiến, ông Vũ Đức Đam sẽ giúp Thủ tướng theo dõi và chỉ đạo khối văn hóa - xã hội - khoa học - giáo dục. Đây là những lĩnh vực khá nhiều thử thách khi chạm đến những vấn đề dân sinh của xã hội.
Lý lịch công tác của ông Vũ Đức Đam cho thấy ông trải qua nhiều vị trí, trong đó nổi bật là kinh nghiệm công tác từ cơ sở, địa phương, trước khi công tác ở trung ương.
Sinh năm 1963, ông là thành viên trẻ nhất tại thời điểm bổ nhiệm năm 2011 trong Chính phủ đương nhiệm. Ông từng theo học tại Vương quốc Bỉ từ 1982 đến 1988. Ông là ủy viên dự khuyết BCH TƯ khóa X, ủy viên BCH TƯ khóa XI.
Trước khi chính thức theo sự nghiệp chính trị, ngay sau khi du học về nước, ông Đam trải qua các vị trí công tác tại Tổng cục Bưu điện và trở thành Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ - Hợp tác quốc tế khi mới 30 tuổi (1993).
Sau đó, ông được phân công làm phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ), rồi Vụ trưởng, thư ký Thủ tướng Võ Văn Kiệt (từ 1996 đến 1998). Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghỉ công tác trong Chính phủ, làm cố vấn BCH TƯ, ông Đam tiếp tục làm trợ lý cho ông Kiệt cho tới 2003.
Từ 2003 đến giữa 2005, ông Đam trải qua nhiều vị trí công tác, từ Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, ông về Bộ Bưu chính - Viễn thông làm Thứ trưởng trong hơn 2 năm.
Tại ĐH Đảng X, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết BCH TƯ khi 44 tuổi. Bốn năm sau đó, ông tiếp tục có nhiệm kỳ ở địa phương: từ Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, rồi Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tại ĐH Đảng XI, ông được bầu vào BCH TƯ và được QH khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Chính khách ngoại giao
Trong khi đó, nếu được QH phê chuẩn, Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ, giúp Thủ tướng theo dõi và chỉ đạo khối công tác đối ngoại.
Cùng thuộc thế hệ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước giống ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xuất thân từ gia đình có truyền thống làm ngoại giao (cha là cố Bộ trưởng Ngoại giao - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tên khai sinh Phạm Văn Cương). Ông từng theo học ĐH Ngoại giao, Thạc sỹ Luật và Ngoại giao tại Trường Fletcher Tuft, Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh là chính khách ngoại giao lão luyện với thâm niên 32 năm làm ngoại giao liên tục
Ông từng là Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Đại sứ, Phó Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ tại Hoa Kỳ, trợ lý cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.
Một trong những mảng "thế mạnh" của ông hay được nhắc đến trong ngành, đó là đàm phán nhân quyền khi công tác tại Vụ Các tổ chức quốc tế.
Ông được bầu làm ủy viên dự khuyết BCH TƯ tại ĐH Đảng X. Tại ĐH XI, ông trở thành ủy viên BCH TƯ.
Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, ông Minh được phê chuẩn làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông đồng thời là ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Nhiệm kỳ hơn 2 năm qua của ông trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao cũng là thời điểm tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ngành ngoại giao đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức, phải hóa giải nhiều “bài toán" khó.
Trong đó, xử lý quan hệ với Trung Quốc dường như đã trở thành bài toán quan trọng và hóc búa nhất khi quan hệ song phương toàn cục Việt Nam và Trung Quốc bị chi phối bởi những căng thẳng liên quan chủ quyền biển đảo, tàu cá và ngư dân.
Song từ giữa 2013 trở đi, quan hệ hai nước có những bước phát triển nồng ấm với việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng 10 vừa qua.
Một “thử thách” đối với ngành ngoại giao, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng được nhắc đến, đó là năm 2012 Việt Nam đã nỗ lực cùng các thành viên ASEAN góp phần củng cố sự hợp tác và đoàn kết nội khối, giữ vững tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.
Một dấu ấn đặc biệt của đối ngoại Việt Nam trong năm 2013, đó là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với một loạt nước.
"Vào tháng 4, Bộ Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan trọng về hội nhập quốc tế. Cả ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đều có những phẩm chất giá trị, phục vụ cho mục tiêu này. Ông Vũ Đức Đam mạnh về khoa học, công nghệ còn ông Phạm Bình Minh lại mạnh về đối ngoại, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền". GS Carl Thayer |
Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng