- Các tư lệnh ngành "nóng" như Y tế không đăng đàn lần này vẫn sẽ nhận được nhiều câu hỏi. Đại biểu sẽ theo dõi đến cùng việc thực hiện lời hứa của họ.
Ngày mai, QH bắt đầu phiên chất vấn. Thủ tướng và 4 vị trưởng ngành sẽ đăng đàn: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thông tin & Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. VietNamNet hỏi chuyện một số ĐB:
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai):
|
Chọn lựa các bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn là trên cơ sở căn cứ ý kiến của ĐB. Theo tôi, quy trình, phương thức lựa chọn này cần tính toán thêm, rõ ràng, công khai hơn.
Mặc dù một số bộ trưởng không trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, nhưng ĐB đã chất vấn bằng các hình thức khác như văn bản, kiến nghị để có thông tin báo cáo cử tri. Quan trọng là các ĐB phải theo đến cùng kết quả giải quyết những vấn đề mà cử tri gửi gắm.
Cá nhân tôi khi thấy bộ trưởng nào chưa làm tròn trách nhiệm thì sẽ tiếp tục đôn đốc. Riêng đối với Bộ trưởng Y tế, tôi sẽ theo dõi đến cùng việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng.
Để nâng cao chất lượng phiên chất vấn, tôi cũng cho rằng phải có tranh luận để đi đến cùng, làm rõ trách nhiệm trong từng vấn đề, lộ trình và biện pháp giải quyết.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên):
|
Việc chất vấn phải vừa đáp ứng yêu cầu bức xúc từ cử tri, dư luận, đồng thời đảm bảo yếu tố toàn diện. Việc chất vấn cũng không chỉ trong một kỳ họp mà trong cả một nhiệm kỳ, không chỉ chất vấn trực tiếp mà còn nhiều hình thức khác.
Khi chất vấn trực tiếp ở hội trường, không chỉ những bộ trưởng, trưởng ngành đã được chọn sẽ trả lời mà các bộ liên quan đều phải tham gia nếu có câu hỏi. Như vậy, trách nhiệm của họ không phải giảm đi, mà quan trọng là câu hỏi đặt ra và câu trả lời như thế nào.
Sau kỳ họp, cử tri vẫn có thể thông qua nhiều kênh để phản ánh ý kiến, nguyện vọng đến các ĐB để hỏi tiếp tục chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành bằng nhiều hình thức.
ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng):
|
Tôi thích hỏi thẳng, trả lời thẳng. Nhưng hiện nay, dù câu hỏi của ĐB đã rõ ràng, câu trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành vẫn còn lòng vòng. Câu trả lời phải rõ ràng, thể hiện được trách nhiệm của những vị tư lệnh, đưa ra được giải pháp để thấy được tính khả thi, sự chuẩn bị, và có lộ trình để đưa ra lời hứa trước QH. Không thể cứ tiếp thu mãi mà không có giới hạn về thời gian.
Có nhiều câu hỏi của ĐB mà kỳ nào cũng đưa ra, đó là do hoặc vấn đề quá vĩ mô, không thể giải quyết trong một kỳ họp, hoặc do các bộ trưởng, trưởng ngành tắc trách, chưa đôn đốc, quyết liệt. Nếu rơi vào trường hợp sau, ĐB cần được tạo điều kiện thời gian để truy vấn dứt điểm một vấn đề.
Để được vậy, cần đổi mới trong cách điều hành phiên chất vấn, chọn 1-2 việc nổi cộm mà ĐB quan tâm để đeo bám, truy tới cùng trách nhiệm, từ đó bật ra được giải pháp.
C.Hoàng - T.Lâm - Ảnh: L.A.Dũng